Wednesday, February 7, 2018

Dòng Sông Quê Nhà

Tôi bước ra khỏi xe rồi vội vã đi như chạy theo con đường dọc bờ sông tìm về căn nhà cũ. Cảnh vật chung quanh đã đổi khác nhưng bước chân tôi hình như không lạc lối, vẫn tìm ra được nơi muốn quay về. Vẫn hàng tre chạy dọc theo bờ sông và con đường vẫn ngoằn ngoèo như trước. Chỉ có nước sông hình như đang còn “cau mặt với tang thương!” Tôi nhìn dòng sông (hay dòng sông nhìn tôi?) ngậm ngùi giấu nỗi buồn thế cuộc!

Sông Vĩnh Phước đây rồi! Con sông đã cho tôi những ngày tháng thanh bình ấu thơ. Sông đã gắn bó, sẻ chia cùng tôi bao vui buồn của một thời mới lớn, ôm ấp những mộng ước đầu đời…

Sông có tục danh là Rào Vịnh, chảy qua nhiều vùng núi non, có lắm khe suối nhỏ đổ vào, và quanh co nhiều hướng. Sông đi qua làng Tân Vĩnh, làng Lai Phước, làng Hà Xá (bên kia sông), phía dưới là làng Phú Áng, và bên này sông là làng Vĩnh Phước. Khi đến ngã ba Vĩnh Phước thì sông nhận nước từ sông Ái Tử chảy vào. Đến ngã ba Phú Áng, sông nhập vào sông Thạch Hãn, và cứ thế cứ tiếp tục trôi…

Không biết sông đã có mặt tự bao giờ nhưng khi tôi sinh ra thì đã có sông ở đó. Tôi vẫn thường nghe Mạ hát ru “Nước trong khe chảy về nguồn Vịnh, Trời côi đã định nước chảy vòng quanh.” Đúng là nước chảy vòng quanh cho nên cuộc đời của bà con quanh sông cứ loanh quanh khổ cực không thoát ra được. Đã qua bao cuộc đổi thay, người dân quê tôi vẫn chưa hưởng được chút thanh bình, hưởng được chút không khí tự do.

Xưa nhà tôi ở cạnh bờ sông nên việc lấy nước và giặt giũ rất tiện lơi. Hầu hết các bến trong làng đều được xây bằng ximăng, cốt sắt do Chính Phủ tài trợ. Có chỗ giặt, chỗ tắm khang trang giúp bà con khỏi bị té trượt. Các bến ít khi vắng người, nhất là những ngày nắng nóng thì rất đông đúc. Người tắm rửa, kẻ giặt áo quần, các cậu trai trẻ thi bơi lội tung tăng. Nước sông trong xanh được hàng tre phủ bóng tạo nên một khung cảnh thơ mộng có một không hai. Bạn bè tôi ở các nơi xa thường thích về đây tắm mát. Sau những lần học bài ôn thi, những lần đi học xa về, chúng tôi thường ngồi bên bờ sông nhìn dòng nước chảy như gởi những lo âu muộn phiền theo dòng nước trôi đi để lòng cảm thấy thảnh thơi vui vẻ. Dòng sông với tôi là mái ấm, là gia đình, anh em, bạn bè… Mỗi lần nghĩ đến là những khuôn mặt thân yêu hiện ra, gần gũi quý hóa. Trong số bạn bè anh em còn nhớ đến sông phải kể đến Hoàng Trinh, Hoàng Lịch, Phan Bá Hiển, Hoàng Triều, Lê Bá Bơn, Tom Malia…Bây giờ sau mấy chục năm hồi tưởng lại giòng sông cũ, có người còn nói sông Vĩnh Phước quê tôi đâu có thua gì sông Danube! (Trạng chút chơi!)

Nhớ có dạo, khoảng năm 1969/1970, trên sông Vĩnh Phước xuất hiện ngày hai chuyến đò máy chạy chở khách từ các làng ven sông đi và về chợ Quảng Trị. Sáng sớm đã nghe tiếng máy đò và tiếng bà con gọi nhau ơi ới. Các chị, các o gồng gánh chở hàng lên chợ bán hoặc mấy cô cậu học trò lên tỉnh học. Vui lắm, hoạt cảnh buổi sáng tại làng quê từ đây đã thay đổi. Mang một chút hơi hướm thị thành. Có nhà còn có máy bơm lấy nước từ sông để tưới cho nương vườn mùa hạn hán. Hồi ấy, ban đêm các chú bên kia thường hay về đặt mìn trên Quốc Lộ I gây chết chóc cho bà con khi đi xe nên việc sử dụng đò máy làm phương tiện đi lại cho bà con được nhiều người ưa thích. Vừa lạ, vừa an toàn, lại còn có cơ hội được ngắm nhìn cảnh sông nước mênh mông.  

Cảnh thanh bình tương đối ấy kéo dài không được bao lâu thì biến cố Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 xảy ra. Bà con lại bồng bế chạy về phương Nam để tránh những đợt pháo kích khốc liệt của Việt cộng. Mẹ và em gái tôi kẹt lại cùng dòng sông và một số người dân không chạy kịp. Thời gian này tôi đang học ở Huế, nên chẳng có thể làm gì được; lòng nặng nỗi đau chia cắt và tự hỏi không biết khi nào có thể trở về gặp lại…

Rồi tháng tư 1975. Hết đường chạy, tôi đành trở về quê. Gặp lại Mẹ và em. Gặp lại dòng sông cũ. Vết thương từ năm 1972 của dòng sông chưa kịp lành thì những kế hoạch sửa sang đắp đập/ngăn sông “thay trời làm mưa” của chế độ mới làm cho sông lở lói, cạn kiệt sinh lực, chết không chết, sống không sống. Đoạn sông từ cầu Lai Phước cho đến gần xuống giữa làng nhuốm một màu thê lương ảm đạm: nước cáu đục và nồng nặc mùi cứt vịt và các thứ rác rưởi khác! Đoạn từ giữa làng trở xuống thì nước có đỡ hơn nhưng không ai tắm rửa gì được. Người ta vẫn cảm nhận được mùi hôi khó chịu từ dưới nước dâng lên, cảm nhận được sự thiếu vắng sinh lực của một dòng sông khắc khoải.

Dân làng bỏ đi gần hết. Kẻ vô Nam tìm kế sinh nhai khác, người bị đưa lên vùng kinh tế mới tận Khe Sanh, Ba Lòng … Ai cũng bỏ đi, chỉ có dòng sông ở lại. Tôi ở lại quê năm năm trời nhưng cũng chỉ để nhìn dòng nước trôi như nhìn số phận bà con làng nước và của mình đang bập bềnh không phương hướng…

Rồi tôi cũng bỏ đi. Bao nhiêu năm rồi mà mỗi lần nghĩ về quê cũ, dòng sông xưa vẫn vậy, vẫn chảy mãi trong tôi những hoài niệm vừa êm đềm vừa đau xót. Ai kia đã làm nước sông cạn nhưng con sông-Vĩnh-Phước-trong-lòng-tôi lúc nào cũng dạt dào sóng vỗ.

Hùng Vĩnh Phước