Đôi Dòng Về Nhà Thơ Hùng Vĩnh Phước
Hùng
Vĩnh Phước là một mẫu người năng nổ, hoạt bát, trải lòng với bạn hữu. Anh và
phu nhân đều tốt nghiệp đại học sư phạm và có nhiều năm dạy Anh văn tại các
trường trung học trước 1975. Vượt biên đến Hoa Kỳ, định cư tại TP San Jose, làm
việc tại tòa thị chính TP San Jose, sau 10 năm hoàn tất dự án/project, nghỉ việc.
Những
dòng tiểu sử do anh ghi ra một cách rất khiêm tốn. Chúng tôi gặp nhau
từ “duyên thơ” khi tôi đọc được trên Net thơ của anh, tôi chép mấy bài xuống
máy, xin hẹn và chúng tôi gặp nhau cùng với nhà báo Lê Văn Hải, từ đó chúng tôi
là nhóm bạn cùng tâm, ý. Anh đảm nhiệm phụ tá chủ bút tạp chí Nguồn. Nhà báo Lê
Văn Hải là Chủ nhiệm.
Thưởng lãm thơ, tùy theo tâm cảm mỗi người, với chúng tôi thơ Hùng Vĩnh Phước ý lời đặc sắc và có nét rất riêng, toát ra từ một nội tâm lắng đọng, kết thúc bài thơ, hai câu cuối cho người thuởng thức một cảm giác bất ngờ:
Ngó lui ngó
tới bốn bề
Thấy nghiêng nghiêng một não nề thân tôi.
Từ địa đầu giới tuyến của miền Nam tự do, sau 75 anh gặp chị, bút hiệu Hoàng Thị Cổ Thành còn độc thân, chạy một mạch từ Quảng Trị vào tận Cà Mau, cuối nẻo đường đất nước, vượt biên tìm tự do, tìm đất sống. Thế mà “đến nơi chưa phải là nơi đến”. Nơi đến là quê cha đất tổ khi đất nước không còn cộng sản.
xx
Định cư sinh sống tại Hoa Kỳ, một đất nước có đầy đủ tự do, vật chất dư thừa. Có nhiều năm làm công chức cho TP San Jose, hoàn tất dự án, hết việc về nhà không phải làm việc tay chân, hiện mở lớp dạy thêm Anh văn và toán cho học sinh sau giờ học.
Anh chị là những thuyền nhân thành công trong sự nghiệp. Thế tại sao lại than “kiếp trâu cày viễn xứ”? Có lẽ anh đã thuộc lòng câu ngạn ngữ “Đời là bể khổ”; “Khổ như “; Mở mắt chào đời đã khóc oe.. oe !! Có lẽ tại anh đêm dằng dặc nhớ quê nhà:
Thửa ruộng đời cày mãi vẫn chưa xong
Buổi sáng lao đao buổi chiều khốn khó
Đêm của tổi dằng dặc nhớ quê nhà.
Thấm “một góc thiền” HVP ngồi lặng lẽ nhìn quanh, nhìn về quá khứ, nhìn tới vị lai, hốt nhiên cảm nhận nỗi buồn, nỗi đời và phận người lênh đênh trong cõi nhân sinh:
thấy lêu bêu thấy lênh đênh nỗi đời
thấy hôm nay đã xa vời ước mong
giật mình đứng giữa hư không
giữa bao la giữa rêu rong nẻo về…
ngó lui ngó tới bốn bề
thấy nghiêng nghiêng một não nề thân tôi.
(Ngó Tới
Nhìn Lui)
Xx
Tôi nhớ ngày tôi theo gia đình vượt biên sang Lào năm 1956 khi lên tới đỉnh Trường Sơn, quay người nhìn về quê quán, làng mạc, đã “nghìn trùng xa cách”, nước non và một dĩ vãng hiện về, rưng rưng buồn, rồi cùng gia đình nhắm hướng Tây mà đi tới biên giới Việt Lào.
Hùng Vĩnh Phước đã đi xa nửa vòng trái đất, nghĩ về quê hương bản quán, không phải là nhớ về tuổi thơ, dòng sông, rặng núi, Bến Ngự, dòng Thạch Hãn, Sông Hương.. mà lòng dấy lên nỗi đau, nỗi sợ hãi những đè nén, khống chế, áp bức trong những năm tháng sống dưới chế độ mới, sau 1975.
Vẫn còn đau nỗi sợ của quê xưa
Từ ngày nhà thơ/nhà văn Hồ Linh tạ thế, Cội Nguồn/Nguồn Magazine thôi họp mặt tại office, đia chỉ toà soạn, căn phố của Hồ Linh/ Vũ Ngọc Anh cho sử dụng, Ban biên tập Nguồn dời về tư thất anh chị Hùng Vĩnh Phước, gặp nhau định kỳ hai ngày giữa tháng và cuối tháng. Lần nào anh chị cũng đãi những bữa điểm tâm, những bữa ăn trước khi được cho ra về. Không biết những lúc họp mặt đó nhà thơ có tưởng mình đang sống giữa thân quen không?
Cứ tưởng mình đang sống giữa thân quen.
Người ta ví von “khổ như trâu” và khi con trâu đuợc nhà thơ ví von đưa vào thơ Tôi như con trâu già sau buổi cày mệt mỏi , con trâu trở thành một “nhân dáng” rất thơ: Nhai, nhai mãi những cọng đời phiền lụy.
xx
Nằm phơi mình dưới bóng truân chuyên
Nhai, nhai mãi những cọng đời phiền lụy
Ngọn gió vô tình cuốn hút tôi đi.
Có mấy nhà thơ thân hữu gọi chúng tôi hỏi thăm HVP còn làm thơ không. Khá lâu rồi không thấy những bài thơ mới sáng tác. Lê Nguyễn gọi tôi: “Anh nói HVP in một tập thơ đi. Thơ hay, đọc đã lắm”.
Thơ HVP giản dị. Thi
ngữ không màu mè làm dáng. Lời thơ chân phương ý thơ sâu lắng hài hòa ngoại cảnh
và tâm cảnh; giữa thơ cổ điển và thơ mới. Có những bài ý thơ và lời thơ rất
đẹp. Nhà
thơ đã dành hết tâm hồn mình cho quê hương, cho bằng hữu, cho quá khứ, cho kỉ
niệm..
Hùng Vĩnh Phước, dù anh khiêm tốn “làm thơ vớ vẩn”, không xuất hiện nhiều, nhưng đích thực là một thi sĩ thành danh.
Thi Sĩ Hùng Vĩnh Phước
Tôi có ý đinh một ngày nào viết về nhà thơ Hùng Vĩnh Phước, một người làm thơ tự nhiên như hơi thở. Nhiều năm đã trôi qua.... mãi tới bây giờ mới có thể viết về nhà thơ it ai biết vì anh không xuất bản thơ, không quảng bá thơ, vì anh chỉ viết cho riêng anh. Tôi cũng không mê thơ nếu thơ đó không có đánh động lòng người như ... Con dế buồn tự tử giũa đêm sương ...(Du Tử Lê trong Trên Ngọn Tình Sầu) hay... Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới... (Thanh Tâm Tuyền trong Dạ Tâm Khúc)...
Thơ Hùng Vĩnh Phước là thơ mộc mạc từ một làng quê, làng Vĩnh Phước, Đông Hà, nơi anh sinh ra và lớn lên.
Thơ Hùng Vĩnh Phước nhẹ nhàng, đơn giản như cuộc sống của anh mang theo từ miền quê Đông Hà, qua Cà Mau rồi đến Mỹ. Tiếng nhạc trong thơ anh không hề đổi thay qua những giai đoạn lịch sử khốc liệt.
Vài giòng về thân thế Hùng Vĩnh Phước:
Hùng Vĩnh Phước tên thật là Nguyễn Ngoc Hùng, tốt nghiệp Sư Phạm Anh Văn 4 năm của Đại Học Sư Phạm Huế 1974. Hai anh em thân thiết nhờ cô vợ anh Hoàng Thị Thình, là em họ xa gần.
Hơn 30 năm làm bạn với anh, tôi chỉ có thể kết luận
là nhà thơ sống như thơ anh, xem cuộc sống tựa lông hồng và nhìn đời bằng con mắt
dí dõm, đặc trưng của một con tim đơn giản.
Xưa lắm rồi--mấy chục năm cách trở
Bây giờ ngồi đây đếm từng nỗi nhớ
Đếm những xa vời, đếm những mong manh
Là ruộng nương, sắn khoai, và bụi đất
Là cây ổi, cây cau, là hàng tre xanh mát
Là lung lay những bụi chuối sau hè
Tôi quờ quạng đi tìm, chẳng tìm ra lối
Tôi hoảng hốt đi, đi hoài không tới
Thấy xa xa hoang vắng một khung trời
Mơ nước chảy xuôi và sóng đời phẳng lặng
Hay tại tôi mở lòng chưa đủ rộng
Nên tháng ngày này lơ lửng chỉ mình tôi?
Khờ khạo tôi trôi-- mờ mịt giữa cách ngăn
Khóc cũng dở mà cười cũng dở
Chuyện đời nhiều khi như trang vở cũ
Cứ đọc hoài mà chẳng chịu sang trang
Như sáng hôm nay mở cửa đứng nhìn
Góc vườn nhỏ trước sân nhà gió lạnh
Nụ hoa vàng, vàng một màu hiu quạnh
Có phải hoa buồn vì nhớ mảnh vườn xưa?
Hùng Vĩnh Phước
*
Ngó Lại
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn
Tuệ Sỹ
Gió thời gian tung thổi ký ức dày
Nghe rụng xuống tả tơi nghìn kỷ niệm
Có kỷ niệm nào giữ được trong tay
Ở bên này thương sông nước bên kia
Con đò nhỏ vẫn thèm nghe sóng vỗ
(Những đợt sóng buồn không thể vươn xa)
Con đường quê mòn dấu chân xưa
Vườn rợp mát hàng tre nghiêng bóng đổ
Luống cải vàng nhè nhẹ tỏa hương mơ
Thân gầy nuôi con đứa xác đứa xơ
Ôi thế sự! Có kêu Trời không thấu
Đã tan tành bao mộng ước đơn sơ
Đang đi lên hay tụt xuống dốc đời
Ngày đã xế, đôi chân nghe thấm mỏi
Phương trời xa nghèn nghẹn một lời quê.
Hùng Vĩnh Phước
*
Cuối Ngày Nhìn Lại
Thấy gì qua ánh đèn đêm
Sau những vật vờ mệt mỏi
Là mong manh của khói sương
Chờ tôi đến mãi cuối ngày
Nhớ những cú đau đời giáng
Tôi ngồi như cỏ như cây
Héo khô cằn cỗi vì đời
Mai kia đường dài đơn độc
Bóng sầu đổ xuống hai vai
Vẽ vời tự họa dung nhan
Còn tôi nhận điều xấu xí
Buồn vui cùng với phai tàn
Tháng năm trôi giữa biển đời
Buồn buồn thắp lên ngọn nến
Bập bùng tâm sự đầy vơi…
Hùng Vĩnh Phước
July 15, 2020
*
Trôi Nổi Tháng Tư
Nhìn nắng vàng hiu hắt chiếu lên cây
Nghe lao xao những trò đời hỗn loạn
Tôi giấu ngậm ngùi sau đôi mắt cay
Nỗi đau xưa còn đó, vẫn chưa quên
Mà cơn dịch này* càng đau đứt ruột…
Kẻ thù muôn đời đã lộ tuổi tên!
Cố quên đi bao hệ lụy trên đời
Những nghịch lý thấy/nghe hoài cũng mệt
Muộn phiền nào rồi cũng sẽ phai phôi
Thì ngày mai còn đó một niềm tin
Những kẻ vô hồn đến lúc đền tội
Để khúc khải hoàn khắp nẻo vang lên
Có nắng xôn xao dáng vẻ quê nhà
Mơ mai tôi về đường hoa rực rỡ
Có triệu người mừng hát khúc tự do!
Hùng Vĩnh Phước
Những ngày cuối tháng 4, 2020
___
* Đại dịch coronavirus (covid19)
Comments:
Cám ơn Thắng đã post lại thơ của Hùng, anh rất
thích những cảm xúc mộc mạc, tứ thơ chân chất và hình ảnh rất đỗi thân quen
trong thơ của Hùng. Rất tiếc là ít khi có dịp đọc thơ vì như Thắng nói Hùng chì
"viết cho riêng mình." Anh rất tâm đắc với những bồi hồi sau đây:
Con đường quê mòn dấu chân xưa
Vườn rợp mát hàng tre nghiêng bóng đổ
vì anh cũng đã có thời chia sẽ những dâu chân tuổi
thơ trên cùng con đường quê của Hùng, đùa vui trong những góc vừn rợp nắng quê
ngoại Vĩnh Phứơc của anh.
Lê Thọ Giáo
AI CŨNG CÓ MỘT CÂU KIỀU ĐỂ NHỚ
Những lúc buồn ngồi đọc lại truyện Kiều
Mới cảm được nỗi đau người đi trước
Cuộc sống từ lâu vốn nhiều mất mát
Và kiếp người là những chặng cô đơn
Khi giận lòng chẳng hiểu được nhân gian
Mở Kiều đọc để thấy mình trong đó
Thấy nhẹ nhõm trước trăm nghìn tâm sự
Có người cảm thông đã nói hộ mình
Nhớ lần đầu gặp gỡ một bóng hình
Chia tay rồi sao còn vương vấn mãi
Ngày xưa Kiều đã có lần tự hỏi
Duyên trăm năm biết ai hẹn ai chờ (a)
Nhìn cuộc đổi đời* giống một giấc mơ
Trăm cảnh ngộ với trăm nghìn oan nghiệt
Giành giật bon chen… làm sao nói hết
Rặt một loài “giá áo túi cơm” thôi (b)
Gian nan qua bao “sóng vỗ bèo trôi”
Khóc vận nước trầm luân trong khổ ải
Đêm nằm ngủ giật mình thương Từ Hải
Thấy lơ lơ láo láo phận dân tù (c)
Từ lúc đành bỏ hết để xa quê
Là lúc biết lòng sẽ nhiều nhức nhối
Câu Kiều xưa vẫn còn âm vang mãi
Khóc Tố Như và cũng để khóc mình
“Sống đoạ thác đày” trong cuộc tử sinh (d)
Ai cũng có một câu Kiều để nhớ
Ngày đứng nhìn đám cô hồn lớ ngớ
Để đêm về mong mơ thấy Nguyễn Du.
Hùng Vĩnh Phước
February 12, 2020
____
Từ các câu Kiều của Nguyễn Du:
a. Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
b. Những loài giá áo túi cơm thiếu gì
c. Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu!
d. Làm cho sống đọa thác đày
Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi!
*30/4/1975
----------------------
Khi viết Truyện Kiều từ cảm hứng đọc Thanh Tâm Tài
Nhân tác phẩm Trung Hoa, Tố Như đã cạn dòng nước mắt, thương xót phận hồng nhan
giữa thời đại nhiễu nhương dâu bể! Nhà thơ lãng mạn, trữ tình hoàn thành Truyện
Kiều thời bấy giờ bằng bản chữ Nôm đầu tiên, san tỏa tiếng vang sâu rộng từ giới
sĩ phu, trí thức đến dân dã; giới sau tuy không đọc được chữ Nôm vẫn thuộc lòng
ít nhiều câu thơ truyện Kiều, để phổ biến, truyền khầu trong làng mạc, xóm
thôn.
Tố Như cũng đã lắm khi băn khoăn tự vấn:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như!
Chẳng biết ba trăm năm sau, có ai khóc nhớ nhà thơ
khi đọc truyện Kiều?
300 năm
chưa đến, đúng 200 năm sau, đất nước dân tộc Việt Nam trải qua thịnh suy
thử thách, Truyện Kiều vẫn sống động, được tôn vinh, vẫn là tác phẩm văn học
giá trị được nghiên cứu, tìm học, thảo luận, phê bình, đối thoại dưới nhiều
quan điểm xã hội, tâm lý, nghệ thuật, đạo đức và sinh mệnh con người… tạo bằng
nhiều tác phẩm lưu giữ trong văn học sử, biến Truyện Kiều thành một bộ môn mới--Kiều
học.
Cũng đúng vào 200 năm ngày sinh của Tố Như (1765 –
1965), Hội Đồng Hòa Bình Thế Giới đã vinh danh thi hào Nguyễn Du là danh nhân
văn hóa thế giới.
Tác phẩm Truyện Kiều được in ấn văn bản chữ Nôm,
quốc ngữ, còn chuyển dịch ra Anh, Pháp ngữ và nhiều ngôn ngữ khác khắp thế giới.
Truyện Kiếu được Cơ Quan Văn Hoá, Khoa Học và Giáo Dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO)
tài trợ xuất bản với tính cách là tác phẩm
tiêu biểu văn học Việt Nam.
Ngày nay, khu lưu niệm tượng đài Nguyễn Du, mang
quốc phục truyền thống, sừng sững cao diệu, thanh nhã vươn bật vòm trời quê
hương Tiên Điền, Hà Tĩnh, vùng mệ địa cỗi cằn, đồng chua nước mặn, mà khí
thiêng sông núi Lam Giang - Hồng Lĩnh đã tác tạo nên bậc tài hoa xuất chúng, rạng
danh văn học sử nước nhà.
Truyện Kiều đã len sâu vào tâm thức quần chúng, đủ
thành phần xã hội trong chừng mực nhất định, sức khơi gợi tái hiện sôi nổi,
thông qua nhiều hình thái thông dụng như vịnh Kiều, đố Kiều, lẩy Kiều, diễn xuất
kịch về Kiều v.v… Ngay cả vua Tự Đức, vị vua hay chữ của triều Nguyễn, cũng đã
bộc lộ đam mê trong hai điều mê (mê ngựa Hậu Bổ, mê nôm Thúy Kiều).
3254 câu lục bát Truyện Kiều mở rộng tầm nhìn người
đọc đương thời cho đến tận hôm nay. Bức tranh phong phú sắc màu, tô vẽ cảnh và
tình phức hợp, cho người đọc một thứ cảm giác tế vi thấm thía dàn dựng qua vật
giới và thẩm thấu sâu tâm giới.
Thế nên, “ai cũng có một câu Kiều để nhớ” là hiện
thực Hùng Vĩnh Phước, thế hệ thơ kế tiếp tại hải ngoại, một lần nữa, cảm hứng
truyện Kiều, trở về với cuộc sống và kiếp người, trải nghiệm chung qua tâm thức
bản thân:
Những lúc buồn ngồi đọc lại Truyện Kiều
Mới cảm được nỗi đau người đi trước
Cuộc sống từ lâu vốn nhiều mất mát
Và kiếp người là những chặng cô đơn
Lúc buồn đọc lại Truyện Kiều để thấm thía, lắng đọng,
hòa nhập nỗi đau nhân thế, nỗi đau “hồng nhan đa truân”.
Chân tướng của con người đồng nghĩa đau khổ. Nỗi
khổ triền miên ám ảnh con người, vây bọc con người, cả khi con người đang chớm
mầm ước vọng chính đáng.
Đức Phật dạy cuộc đời vốn là bể khổ. Phương chi
khi vừa lọt lòng mẹ, hài nhi cất tiếng khóc chào đời, báo hiệu bể khổ mênh mông
phía trước (Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra – Cung Oán).
Tiếng khóc, giọt nước mắt góp vào bể khổ kiếp người!
Con người dần lớn dậy theo dòng thời gian, chạm mặt
cuộc đời càng nhận rõ hình thức khổ nạn, có lúc toan chạy trốn khỏi ràng buộc
hiện thể, nhưng càng toan bỏ chạy, càng bị kéo lùi từ bàn tay cưỡng chế áp đặt
ma quái, vô hình!
Qua đó con người thường buồn bã, xa xót, than vãn
rên xiết, kêu la, oán trách bông lông cũng chỉ là phong cách thông thường, giảm
nhẹ cảm giác uất nghẹn để tiếp tục làm người mang trạng thái hoài nghi, bất an,
phức tạp giữa nơi chốn tạm bợ cõi người ta (Trăm năm trong cõi người ta - Kiều).
Danh nhân Nguyễn Công Trứ hào sảng “chí nam nhi” tỉnh
táo với nhân sinh quan lạc quan, yêu đời đã dấn thân bằng tư tưởng “phải có
danh gì với núi sông”, lãng mạn phóng túng với bầu đoàn thệ thiếp, ấm lạnh đề
huề. Giấc mơ cuộc đời hiển hiện như ý nguyện, song tiếc thay, cuối đoạn trường
đời, đã chịu nhìn nhận qua tiếng thở dài đắng cay, chua chát: “Kiếp sau xin chớ
làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.”
Triết lý sống đồng hành có không, được mất, Hùng
Vĩnh Phước thu nhận rõ hơn, mất mát nhiều hơn, và kiếp người dài được bao lăm
giữa đoạn trường cô đơn, cô độc. Nghịch cảnh, nghịch lý nhân gian biến hiện,
chìm nổi từng ngày từng lúc. Con người không còn lạ lẫm lẽ vô thường mà vẫn tư
lự thái độ sống, đứng giữa ranh giới kẻ bàng quang, giận mình không hiểu được
chính mình.
Truyện Kiều đã khai mở, trình bày, diễn tả gắn liền
thời đại, xã hội, con người cả hồn lẫn xác, đầy ắp ý nghĩa nhân sinh, giúp tìm
kiếm và gặp gỡ mình trong chừng mực.
Khi giận lòng chẳng hiểu được nhân gian
Mở Kiều đọc để thấy mình trong đó
Gặp, thấy chính mình, đã thỏa ước phần nào, tựa hồ
được uống liều thuốc giảm đau đúng lúc, khoan khoái, nhẹ nhõm, dung thông.
Thấy nhẹ nhõm trước trăm nghìn tâm sự
Có người cảm thông đã nói hộ mình
Ví như tình yêu. Mối tình đầu của Kiều-Kim Trọng,
trai tài gái sắc, ngỡ duyên khởi đúng thời, trên hành trình gắn bó. Dưới trăng
khuya, lời thề thốt được khắc ghi “vầng trăng vằng vặc giữa trời/đinh ninh hai
miệng một lời song song” (Kiều). Thế mà, chỉ một mảy bụi hồng trần rủi ro, do kẻ
bán tơ xuất xướng đến chính quyền liên quan gia đình Vương viên ngoại, cuối
cùng Kiều phải hy sinh cứu cha vì hiếu mà đành phụ tình chung! Giữa đời sống,
chuyện khổ đau tình yêu nam nữ chẳng bao giờ thiếu. Nói đến tình đồng nghĩa với
oan nghiệt (Tu là cõi phúc, tình là dây oan - Kiều). Biết bao nhiêu cặp tình
nhân thời nay tan vỡ, lỡ làng qua hoàn cảnh riêng biệt; những cuộc tình sớm kết
sớm tàn, hằn sâu nỗi khổ cho cả hai bên đều chịu đựng.
Kiều trải qua những ưu tư, hoài nghi và tự hỏi. Duyên
từ đâu đến? Duyện-tình, hai mặt một niệm đồ. Duyên khởi, duyên chưa hòa thì
tình cũng mong manh, như làn gió mảng mây…
Ngày xưa Kiều đã có lần tự hỏi
Duyên trăm năm biết ai hẹn ai chờ
Ngẫm nghĩ cho cùng, con người đang buộc chặt vào
vòng cộng nghiệp, cùng khổ đau mà chưa nhận rõ. Luận về duyên, sách xưa ghi “Hữu
duyện thiên lý năng tương ngộ/Vô duyên đối diện bất tương phùng.”
Cái duyên không thể kiếm tìm, trao đổi, mời gọi. Tự
đến, tự hòa và tự chấp vào một bản thể người, như một cơ hội, một tình cờ, một
phúc đức trong cuộc sống. Cứ đợi, cứ chờ… duyên vẫn không hiện hình đoái tưởng.
Khởi tùy duyên là thế!
Kiều đang sống dưới một chế độ phong kiến. Gia
Tĩnh triều Minh, thời kỳ mà Tố Như mô tả là “bốn phương phẳng lặng hai kinh vững
vàng”, thời tạm cho là thanh bình, xã hội an ổn. Gia đình gặp họa không ngờ, do
tên bán tơ vu cáo. Tác nhân gây tội ác hại người vào những thời khắc rối ren giữa
xã hội, khi tâm lý quần chúng hy vọng vào công lý cửa quyền soi sáng sự việc. Kẻ
yếu thế trông đợi lẽ phải, sự thật thì sai nha tương kế tựu kế đã trắng trợn
đòi hỏi “có ba trăm lạng việc này mới xong” (Kiều). Bản chất tham tiền cố hữu
đã bộc lộ, cùng lúc vơ vét của cải, lục soát tư gia (Đồ tế nhuyễn của riêng
tây/Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham - Kiều).
Giá trị đồng tiền, lòng tham con người muôn đời vẫn
nguyên tính. Vì đồng tiền, người hại người, như triết gia hiện đại Jean P.
Sartre đã ví: “Người là địa ngục của người.”
Nỗi khốn đọa liên quan thân phận người, hoặc nặng
nhẹ tựa hồ nhu cầu đời sống trước đổi thay của không gian, thời gian và khi phải
đối chiếu với cuộc đổi đời trên quê hương miền Nam, ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Chế độ tự do miền Nam suy sụp, thất trận trước sức
thôn tính của đảng Cộng Sản miền Bắc—nhanh nhẹn, rõ ràng như một giấc mơ. “Giấc
Nam Kha khéo bất bình/Bừng con mắt dậy thấy mình tay không” (Cung Oán). Chỉ qua
đêm, sáng ngày 1 tháng 5, mình không còn là mình nữa!
Cuộc đổi đời toàn diện, trăm nghìn cảnh ngộ lão
đão, cuồng quay.
Nhìn cuộc đổi đời giống một giấc mơ
Trăm cảnh ngộ với trăm nghìn oan nghiệt
Nhà nhà hoang hóa, người người tháo chạy, tìm đường
thoát vòng vây Cộng sản. Thành phần quân, cán, chính miền Nam lần lượt vào trại
tù. Quần chúng còn lại hoang mang, hãi sợ, làm con tin chế độ mới.
Con người hứng chịu trăm nghìn khốn khổ đổi đời,
chới với, bấp bênh giữa quê hương, ngày hôm qua còn là thiên đường, hạnh lạc,
giờ này thành địa ngục trần gian!
Kẻ gọi là thắng cuộc, ngây ngô, trơ trẽn, không hiểu
vì sao lại thắng. Kẻ bại đắng cay, sững sờ, không biết lý do!
Bi, haì kịch thắng bại từ đó diễn trình giữa sân
khấu miền Nam khá trung thực, biểu hiện man rợ, tham lam, tàn độc của cái gọi
là “đỉnh cao trí tuệ xã hội chủ nghĩa”!
Giành giật bon chen làm sao nói hết
Rặt một loài “giá áo túi cơm” thôi.
Người chấp nhận hiểm nguy đi tìm lẽ sống, sau thử
thách gian nan giữa dặm trường sóng gió, may mắn đến được nơi mơ ước, thoát
vòng vây thù nghịch, cũng chỉ vừa qua được một đoạn khổ trước mặt. Khổ vẫn bám
víu con người. Đất tạm dung, hít thở không khí tự do, hưng phấn niềm tin, thân
xác tỵ nạn vẫn đằng đẵng phấn đấu để được tồn tại thường tình. Áo cơm, nơi ở,
phương tiện, việc làm cùng muôn vàn ràng buộc hội nhập vào xã hội mới cũng ngổn
ngang, phức tạp, lao đao!
Ký ức thoáng buồn tràn lấn, gợi dậy tình yêu cố quận,
quê nhà, con người ở lại lênh đênh giữa bể trầm luân.
Gian nan qua bao “sóng vỗ bèo trôi”
Khóc vận nước trầm luân trong khổ ải
Bóng dáng anh hùng gãy súng Tháng Tư, bao thế hệ
trẻ miền Nam đứng lên, ngã xuống, góp máu xương bảo vệ từng tấc đất núi sông,
phải cam chịu thân tù đày, bại trận, thất thểu, đói khát, đọa đày trong bao
nhiêu trại giam mọc lên khắp ba miền Nam Trung Bắc.
Đêm nằm ngủ giật mình thương Từ Hải
Thấy lơ lơ láo láo phận dân tù
Dời quê hương từ đó đã 45 năm. Bỏ lại hết đằng
sau, chạy khỏi với hai bàn tay trắng.
Thân phận người thấm thía đời người! Đã trải qua
xây dựng nên đời, để chỉ qua đêm tan nhà nát đất. Dở sống, dở chết dưới chế độ độc
đảng, độc tài, người lìa nơi chốn cũ ra đi, nhức nhối xót xa trên hành trình
“khổ đế,” người ở lại nghiệt ngã, khổ nạn lưu đày ngay giữa quê hương.
Kiều thuở xưa hồng nhan đa truân, qua mười lăm năm
lưu lạc, nổi trôi, cuối cùng đoàn viên, hoà hợp hiếu tình sở nguyện.
Dòng thời gian cứ lướt thướt chảy trôi, truyện Kiều
càng âm vang, lan tỏa rộng, thấm đậm nước mắt con người. Khóc cho nỗi khổ hằng
cửu, đồng thời cũng dành cho ngòi bút, nguồn lực sâu đầy của Nguyễn Du, nội hàm
chủ yếu tình yêu muôn thuở, con người, quê hương, tình tự dân tộc.
Câu Kiều xưa vẫn còn âm vang mãi
Khóc Tố Như và cũng để khóc mình
Không thiếu những câu, những đoạn trong truyện Kiều
đủ chuyên chở ý nghĩa, biểu hiện, phóng chiếu, ẩn dụ, phúng dụ, hoán dụ, cảnh
tình hòa nhập, đan quyện, khơi gợi cảm giác yêu thương, giận ghét nơi người đọc
. Tâm giới, vật giới trong truyện khá mới mẽ, sắc diện sinh động, làm tăng triển
cảm hứng, qua đó, người đọc thuộc lòng từng câu, từng đoạn truyện Kiều trở
thành phổ biến.
“Ai cũng có một câu Kiều để nhớ.” Nhận định này
không chủ quan, thô thiển. Hùng Vĩnh Phước thu nạp, trải nghiệm truyện Kiều dưới
góc độ cảm hứng văn học, suy nghiệm, phân giải, ảnh hưởng lâu dài đến tương
lai.
Từng gánh chịu thử thách trong cuộc bể dâu lịch sử,
vừa là chứng nhân, vừa là nạn nhân giữa ranh giới mất còn, đã bao lần nương tựa
vào những câu Kiều đoạn Kiều, tìm an ủi, sẻ chia, thông cảm, cả hy vọng trước
những bế tắc, trớ trêu.
“Sống đọa, thác đày” trong cuộc tử sinh
Ai cũng có một câu Kiều để nhớ
Từ lâu lắm, câu Kiều đã ở lại trong vùng cảm thụ của
người đọc đủ thành phần, giai cấp xã hội, theo dòng suy thịnh của những triều
đai trên quê hương. Nay, hơn 200 năm sau, những câu Kiều vẫn sáng lòe tươi mát
của thời đại mới. Những câu Kiều đã được nhắc đến, ví von bằng thanh âm ngoại xứ.
Tổng thống thứ 42 Hoa Kỳ, Bill Clinton, năm 2008,
đã đến thăm đất nước Việt Nam. Ông Clinton bãi bỏ cấm vận, quan hệ bình thường
với Việt Nam. Trang sử mới được bắt đầu giữa hai quốc gia “cựu thù” trong cuộc
chiến ý thức hệ Nam Bắc trước 1975.
Như một hiện tượng sáng trong, dân chúng thủ đô Hà
Nội được tin ông Clinton đến, đã ào ạt ra đường chờ đợi đón tiếp suốt các lộ
trình ông sẽ đi qua từ lúc 2 giờ sáng. Sau cuộc đón tiếp trọng thể dành cho vị nguyên
thủ Hoa Kỳ, ông Clinton đã nói chuyện với hàng ngàn nam nữ sinh viên thủ đô tại
nhà hát lớn. Ông dẫn hai câu Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một
chút này làm ghi.”
Rõ ràng, câu trích dẫn đã phản ảnh đúng thời điểm,
hoàn cảnh và tâm lý thời sự. Ông gởi thông điệp cho tuổi trẻ Việt Nam niềm tin cậy đáng tin và
đáng ghi nhớ.
Hơn thập kỷ sau, năm 2014, tổng thống thứ 44 Hoa Kỳ,
Barrack Obama, cũng đã tiếp lãnh đạo Việt Nam đến thăm Tòa Bạch Ốc. Trong trao
đổi chuyện trò. Ông Obama cũng đã mượn hai câu trong truyện Kiều “Trời còn để
có hôm nay/Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” gợi ý khéo léo, duyên dáng với
phía đối diện về những tương quan hợp tác và tình hình thuận thảo trước mắt.
Những câu Kiều đã sống tràn đầy, không chỉ trong dân gian đất mẹ, câu Kiều ngày nay và mai sau sẽ đồng vọng dài lâu. Câu Kiều được nhắc lại tại thủ đô Hà Nội, tại Hoa Thịnh Đốn. Những câu lục bát tuyệt vời của Nguyễn Du đã được dịp thăng hoa, thay vì những giọt lệ mà thuở sinh tiền Tố Như Nguyễn Du băn khoăn tự vấn!
Diên Nghị
30 Tháng Tư, 2020
Hoàng Yên Lynh
Cảm Nhận Bài Thơ "Gởi Thơ Chút Tình" của Hùng Vĩnh Phước
Cảm nhận của tôi khi đọc bài thơ GỞI THƠ CHÚT TÌNH của Hùng Vĩnh Phước, bài thơ là tâm tình, tự sự của tác giả khi đã đi qua chặng đường dài của cuộc đời, khi có thể ngồi nhìn lại những buồn vui, nhìn lại biết bao thăng trầm của đời mình để rồi tìm cho mình một chút niềm vui, một chút bình yên và người thơ tự hỏi:
Cuộc đời bấy lâu nay đã hành ta thấm mệt
Nếu thơ không còn ta biết vịn vào đâu?
Vâng , cuộc đời vốn dĩ là một khúc đoạn trường . Và với nhũng ai đã đi qua bao thăng trầm , đã đối mặt với bức tranh màu xám của lịch sử , của bể dâu hẳn sẽ nhận ra " cuộc đới ... đã hành ta thấm mệt ..." Thấm mệt với nhân tình thế thái, thấm mệt với những kẻ mang khuôn mặt con người, ngụy trang với biết bao lời hay ý đẹp .
Và để xoa dịu nỗi đau nhân tình, con người tự đặt cho mình một nơi chốn bình yên, đó có phải chăng là chốn thiên đàng , có thật hay là ảo tưởng nhưng ít ra cũng làm cho người còn một chút ước mơ, một chút niềm tin ... để sống . Nhưng thiên đàng và địa ngục vốn dĩ cũng là hai mặt của cuộc đời, nên tác giả cứ phải ưu tư, tự hỏi
Có phải những điều không bao giờ có thực
Lại là mối ưu tư đeo đẳng cả đời người?
Chính những ưu tư đó đã làm cho con người, nhất là đối với những ai nhạy cảm , nhiều ưu tư sẽ phải gánh nặng cả cuộc đời, giữa yêu thương, nhân ái và tình đời dối gian, đen bạc .
Khi mà cuộc sống, những tâm tình không như ước muốn . Khi mà lòng nhân ái, ước ao sống trong yêu thương phải đối diện với những nhỏ nhen, những tham vọng, ích kỷ, cố chấp thì người thơ chỉ còn một chút ao ước ... Đó là tìm đến với nguồn thơ, được sống trong mơ mộng, được trở về với chính mình dù chỉ là trong giấc mơ với nàng thơ.
Qua bài thơ , tôi cũng muốn sẻ chia, muốn bày tỏ những đồng cảm với tác giả . Chính từ những lời vần thơ này, tôi cũng đã gặp lại chính tôi. Gặp lại những nghĩ suy, những dằn vặt khi mà trên bước đời cứ phải luôn đối mặt với những ưu phiền, với những toan tính nhỏ nhen ích kỷ . Khi mà, như cụ Nguyễn Du đã viết " trải qua một cuộc bể dâu . Những điều trông thấy mà đau đớn lòng ... "
Bài thơ, nỗi suy tư của tác giả đã đi vào lòng người đọc đối với những ai cũng đã trải qua năm tháng, đã chiêm nghiệm nỗi đau tình đời, tình người . Với những ai hạnh thông trên bước đời, thành đạt trong cuộc sống chưa thể nhận ra, đồng cảm với tác giả khi mà rốt cuộc chỉ còn biết tâm sự nỗi lòng mình với nàng thơ.
Ta chỉ cầu xin một điều đơn giản nhất
Có được thời gian mỗi ngày mơ mộng cùng thơ.
Để làm bạn với thơ ca , để được gởi gắm bao điều tâm sự thì nàng thơ quả thật là nơi chốn của riêng mình mà không một ai, không một ma lực nào có thể chi phối, có thể trù dập khi mà chỉ còn lại ta với nàng thơ. Đó cũng là những gì tôi đã cảm nhận được qua năm tháng để rồi hôm nay bắt gặp qua chính những dòng thơ của tác giả Hùng Vĩnh Phước.
Hoàng Yên Lynh
______________
Gởi Thơ Chút Tình
Lâu rồi không làm được một bài thơ
Nên soi gương thấy mặt mình dễ ghét
Cuộc đời bấy lâu nay đã hành ta thấm mệt
Nếu thơ không còn ta biết vịn* vào đâu?
Đời cứ điềm nhiên gieo bao nỗi lo âu
Sau từng niềm vui là từng muộn phiền lấp ló
Sao cứ vẫn có nhiều khuôn mặt cau có
Ẩn đằng sau mỗi câu nói dịu dàng?
Nếu đúng rằng đâu đó có thiên đàng
Sao lại bày chi nơi gọi là địa ngục
Có phải những điều không bao giờ có thực
Lại là mối ưu tư đeo đẳng cả đời người?
Ôi những thứ không đâu làm lụy cuộc đời
Người ta khổ vì bao sợi dây bâng quơ trói buộc
Ta chỉ cầu xin một điều đơn giản nhất
Có được thời gian mỗi ngày mơ mộng cùng thơ.
Hùng Vĩnh Phước
*Có những phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy. Phùng Quán
For Hung
![]() |
postcard from Teresa Gutiêrez and Patricia Ramos, colleagues |
![]() |
from residents |
![]() |
from Amanda, a manager of SNI Program, City of San Jose |