Thursday, September 10, 2020

Chuyện Cũ Kể Li
(Nhớ đâu viết đó giải sầu)

Đông Hà Trong Trí Nhớ (Một)
(1975 - 1980)

Sau buổi gặp ông hiệu trưởng, về nhà là tôi chạy đến tìm “ông” Hồ Khuyến, thôn trưởng, để xin cắt hộ khẩu chuyển về trường. Thôn trưởng là cư dân trong xóm tôi, năm 1972 kẹt lại. Gặp
tôi, ông vui vẻ hỏi thăm và giảng cho nghe một bài chính trị quen thuộc, rồi lục tìm trong cái
xách đen ông luôn mang kè kè bên hông, lấy ra cây viết và tờ giấy trắng đã đổi sang màu vàng, xong kê lên đùi nguệch ngoạc viết: “Chứng nhận cắt hộ khẩu Nguyễn Hùng chuyển về trường cấp 3 Đông Hà.” Dưới hàng chữ đó là chữ ký và ghi: Hồ Thanh Khuyến (không cần khuôn dấu khuôn diếc gì cả). Rất nhẹ nhàng.
(Nói thêm một chút ở đây cho vui: Sau ngày “giải phóng” các cán bộ xã thôn đều tự ý xóa tên lót [tên đệm] của bất cứ ai từ trong Nam chạy về và họ thêm vào tên của họ những tên lót rất kêu. Tên tôi trở thành Nguyễn Hùng, và tên Hồ Khuyến của ông trở thành Hồ Thanh Khuyến.)
Hôm sau tôi mang tờ giấy cắt hộ khẩu ra trường cấp 3 nộp cho phòng hành chánh quản trị để làm thủ tục vào trường. Như vậy là kể từ hôm nay tôi có được một tháng 13 ký gạo và chút ít “tiêu chuẩn” để yên tâm. À, còn lương nữa, một tháng 20 đồng tiền Bắc, khoảng chừng đó, lâu ngày quên rồi…
Trường Cấp 3 lúc này nằm ở Dốc Sỏi thuộc địa phận xã Triệu Lương. Đồng bào hết đường chạy nên từ trong Nam lần lượt trở về. Con em trong lứa tuổi đi học đều phải vào trường, theo đội, theo đoàn… Đang là cuối niên học nên học sinh cần tập trung lại để chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Tôì được phân công phụ trách môn tiếng Anh cho học sinh từ miền Nam trở về.
Nhớ buổi đầu tiên đến lớp, tôi mặc cái quần tây ống không rộng lắm còn sót lại và cái áo bộ đội (kiểu ngắn, không cần bỏ vào quần), chân mang giày “ngụy” cũ, bước đi còn nghe cốp cốp dù đã hơi mòn đế. Thật ra tôi vẫn còn cái áo sơ mi cũ nhưng hơi bị bó vào người mà không dám mặc vì có lần một ông anh dân tập kết về (con ông bác trong họ) đã cảnh cáo “chú không nên mặc cái áo đó, không hơp thời”. Thành ra tôi ăn mặc nửa Bắc nửa Nam, không giống ai.
Đến lớp khoảng năm, sáu học sinh đang đứng chờ ngoài phòng học. Tôi ghé vào cùng chờ vì chưa có tiếng kẻng vào lớp. Có một học sinh hỏi tôi “Thầy tới chưa mi?” Tôi cố nhịn cười và trả lời “chắc tới rồi.”
Kẻng vào lớp, tôi bước lên bục giảng làm cho đám học sinh ngạc nhiên… Buổi lên lớp đầu tiên sau ngày “giải phóng” cũng vui. Chương trình học vẫn tạm dùng sách cũ của miền Nam, giờ Anh văn vẫn dùng English for Today nên không mấy bỡ ngỡ.
Học và ôn tập được khoảng hai ba tuần gì đó thì thi tốt nghiệp. Chuyện đi chấm thi mới vui. Bài đọc tiếng Anh nói về Bác Hồ (Uncle Ho). Hầu như đa số các thí sinh không biết bác Hồ là ai nên dịch là Cậu Ho, Chú Ho… Có thí sinh còn phịa ra nhiều câu không có trong bài như buổi sáng cậu Ho uống cà phê sữa… làm như cậu Ho là một người sinh sống ở miền Nam. Vì vậy, khi tổng kết, điểm thi môn Anh văn của học sinh quá thấp và Hội Đồng Thi quyết định nâng điểm để cho số lượng đậu cao hơn.