Thursday, September 24, 2020

Chuyện Cũ Kể Lại (Nhớ đâu viết đó giải sầu)

Cửa Mở 

Đúng là kỳ diệu. Xin cảm ơn cuộc đời luôn luôn có một cánh cửa mở ra cho người cùng đường sau khi mọi cánh khác đã đóng.

Và đúng vậy, sau vụ “đụng độ” ở trường Tại Chức II, tôi dự định bỏ dạy ở đó luôn và sẽ tiếp tục dạy giờ ở các trường phổ thông cho qua ngày. Dù sao cũng phải có chút tiền để nuôi sống hai vợ chồng và hai con nhỏ.

Tạm yên tâm với dự tính sẽ làm, tôi bỏ quên mọi phiền lụy chung quanh, bỏ quên Tô Văn Chánh, bỏ quên luôn những tính toán nhỏ nhen của bản thân mà ai cũng có, để vui sống.

Cà Mau lúc này bàn dân thiên hạ vẫn bàn nhau chuyện vượt biển. Tin tức những chuyến tàu ra đi trót lọt làm cho nhiều người náo nức. Thiệt có, giả có, không biết đâu mà tin! Lúc mới về Cà Mau, chúng tôi có theo đi mấy lần không thành công, người ta kêu đóng tiền “tắc xi” trước, hoặc góp tiền mua xăng dầu… Đi không được, trở về, tiền cũng mất luôn. Mấy lần họ liên lạc kêu đi, chúng tôi đều từ chối vì không đủ tiền và vì bán tín bán nghi!

Kinh nghiệm một lần đi ở Sông Đốc suýt bị bắt làm chúng tôi nhớ mãi. Tàu đi từ Cà Mau đến Sông Đốc mất nửa ngày. Chúng tôi lên tàu về đó ở lại để khuya lên “tắc xi” ra tàu lớn. Nhưng đến khuya, vì trở ngại chuyện bán bãi mua bờ nên tàu lớn không ra được, chúng tôi phải ở lại thêm một ngày. Sợ bị lộ, người tổ chức khuyên hai vợ chồng ra chợ bày quần áo cũ, bán để che mắt. Để giết thì giờ, tôi vào quán cà phê ngổi còn bà xã bán. Đang uống chưa xong ly cà phê thì người tổ chức đến báo bà xã đã bị công an bắt vô đồn rồi. Ông ta còn nói, theo kế hoạch thì tối nay tàu vẫn ra, anh cứ đi trước đi, chúng tôi sẽ lo liệu để đưa chị đi chuyến sau. Nghe tin vợ bị bắt thì tôi “quớ” rồi chớ đâu nữa mà đi với đứng! Khoảng nửa tiếng sau, một ngưòi đàn bà đến gặp tôi, thân mật chào hỏi rồi nói nhỏ: “Thầy cô về đây ở lại nhà ông Mua (người tổ chức) là nó nghi rồi, nên cẩn thận. Bây giờ cô đang ở nhà tôi, sáng mai thầy cô có thể về lại Cà Mau được. Thầy đừng lo, chúng tôi đã bao tụi nó ăn uống rồi.”

Thì ra chị này là phụ huynh của đứa học trò của tôi ở trường Phường 2, gia đình đang buôn bán ở Sông Đốc, gởi con lên Cà Mau học. Cảm động trước tấm chân tình của người phụ nữ không bà con ruột thịt với mình, tôi không nói được thành lời. Chị đã mang đồ nhậu và thức ăn vào đồn công an để họ ăn uống, một hình thức hối lộ để xin cho vợ tôi được khỏi bị giam trong đồn. Thực ra công an cũng chưa có chứng cớ là chúng tôi về đó để vượt biên, xui là sáng hôm đó, khi vợ tôi bày quần áo ra bán thì có người đến nhìn đồ bị mất. Người mất đồ cũng ác, nhận lại đồ của mình rồi mà vẫn báo công an. Được cơ hội làm tiền thì công an bắt giữ, đã giải thích với họ là áo quần chúng tôi mua ở Cà Mau nên đâu biết là đồ ăn cắp, bán đồ cũ là mua đi bán lại kiếm chút tiền lời để sống, nhưng họ vẫn bắt giữ.

Đêm hôm đó, tàu vẫn ra khơi, và sáng hôm sau chúng tôi mua vé tàu quay về Cà Mau. Con tàu đi ra gần tới hải phận quốc tế thì chết máy, được tàu nhà nước kéo về và những người trên tàu được vào nhà tù Cây Gừa “học tập”.

Đúng là cái số không được ở trong nhà tù nhỏ, chúng tôi đành vui vẻ về lại nhà tù lớn với mọi người.

Và bây giờ, khi tôi đang ở thời điểm hầu như không lối thoát này thì ánh sáng lại lóe ra từ cuối đường…

Buổi sáng sớm hai ngày sau vụ “chưởi cho hả giận,” trong lúc chúng tôi đang loay hoay việc nhà thì nghe tiếng gõ cửa. Tôi ra mở cửa. Một người đàn ông xuất hiện và nói có chuyến đi ngày mai và hôm nay phải đi ngay. Chúng tôi không nhớ đã gặp người này hay chưa nhưng cứ thử thời vận xem sao. Người đàn ông cho biết giá đi chuyến này cho hai vợ chồng và hai con nhỏ là 3 cây (ba lượng vàng), tính luôn tiền tắc xi và công cán khác. Tôi nói: Chúng tôi hiện không có tiền cũng như vàng sẵn, nhưng nếu đi lọt thì hứa sẽ chung đầy đủ. Tôi có bà con thân thích tại đây. Anh tin thì cho chúng tôi đi, nếu không tin thi chúng tôi đành ở lại thôi.

Ông ta suy nghĩ một hồi rồi kêu chúng tôi chuẩn bị các thứ để lên đường. Trước khi đi ông ta cũng cần biết ai là người ở lại chịu trách nhiệm khi chúng tôi đi lọt. Tôi dẫn ông đi gặp chị Nga và nhờ chị báo cho chị Phương (lúc này đang ở Hộ Phòng, cách Cà Mau khoảng 5/6 cây số) để lo việc chung chi sau này.

Tôi cũng vội vàng chạy ra cái quán gần nhà, trả hết nợ mua chịu mấy thứ gần đây để yên tâm không nợ nần chi khi ra đi.

Xong xuôi, chúng tôi, hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ, theo người đàn ông lên ghe máy chạy về Xẻo Lá (cái tên nghe lạ hoắc ở tận cùng đất biển), giã từ thị xã Cà Mau sau mười năm với lắm buồn vui…