Thursday, September 24, 2020

 Chuyện Cũ Kể Lại (Nhớ đâu viết đó giải sầu)

Thoát 

Tôi không nhớ chúng tôi ngồi bao lâu trên chiếc xuồng máy (ở miền Tây người ta kêu là vỏ lãi) để đi từ Cà Mau về Xẻo Lá--hình như hơn cả buổi. Nhìn những đợt sóng nhẹ lùi theo sau chiếc xuồng bé nhỏ, tôi cảm thấy như mình đang làm một chuyến du lịch bằng đường thủy, không nghĩ đây là lần cuối cùng ngắm sông nước Cà Mau, ngắm cảnh vật thân quen của mảnh đất cuối cùng đất nước. Cái cảm giác kỳ lạ, vừa vui vừa buồn, đang dâng lên trong lòng tôi. Đăc biệt trong giờ phút “chạy trốn” này, tôi lại không cảm thấy lo lắng hay hồi hộp, mà lại vui nhiều hơn, cứ như là mình đang được giải thoát, vui vì ngày mai không còn phải trở lại nơi chắc chắn sẽ có nhiều gian nan, thử thách …

Đến chiều tối, chúng tôi về đến nhà người dẫn đường. Ở đây bà mẹ và cả nhà đang chờ, chúng tôi được tiếp đón như người thân từ xa về ăn giỗ. Thức ăn, thức uống đã bày sẵn. Hải sản tôm cua, bánh ướt thịt quay… toàn những thứ “cao lương mỹ vị”. Bây giờ mới biết vì sao lâu nay người ta thường ví von sướng như vượt biên! “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”mà!

Chúng tôi ngồi ăn uống và trò chuyện-- chuyện sinh hoạt hàng ngày, chuyện mùa cá mùa tôm, chứ không đá động gì đến việc ra đi.

Đến khuya, khoảng gần 3 giờ sáng, có người đến kêu chúng tôi lên ghe lớn. Thât ngạc nhiên là ghe lớn lại nằm ngay trước nhà, lối ra biển. Tôi cứ tưởng sẽ lên ghe nhỏ (tắc xi) để ra ghe lớn đậu ngoài khơi. Chúng tôi được lên ghe trước tiên nên lúc này ghe còn trống. Hai đứa con nhỏ thì khoái lắm, cứ chạy lăng xăng trên ghe hoài. Lát sau, nhiều nhóm người khác tập trung, lặng lẽ lên ghe. Họ được “ém” nhiều nơi khác nhau, chờ đến giờ mới được xuất hiện.

Ghe chật cứng người. 104 người vừa con nít vừa người lớn chen chúc nhau trong chiếc ghe dài chừng chưa tới 15 mét. Lúc này khỏi nói đến việc chọn lựa ghe lớn ghe nhỏ. Lên ghe là được rồi, mọi thứ khác phó mặc cho Trời Đất! Ghe bắt đầu di chuyển. Tôi vội nhìn quanh xem thử có ai quen nhưng không thấy gì cả vì trời tối quá. Chúng tôi tìm chỗ ngồi phía ngoài, gần cuối ghe, lỡ có bị nôn mửa thì dễ dàng hơn và không gây phiền toái cho người khác.

Chạy chầm chậm khoảng mười lăm phút thì ghe qua đồn công an biên phòng. Viên tài công nói bà con cứ ngồi yên, chúng tôi đã sắp xếp cả rồi, chỉ nộp “hàng” đủ cho họ là đi thôi. Tuy nhiên, việc “nộp hàng” không đơn giản như anh ta nói vì sau một thời gian bàn cãi ở đồn công an, một ngưòi trở lại nói với chúng tôi: “Công an đòi thêm, bây giờ bà con ai có ít nhiều thì chi thêm, nếu không, không đi được.”

Nghe vậy, tôi nghĩ bụng thôi tiêu rồi, chắc vô Cây Gừa! Mọi người trên ghe bàn tán xôn xao, kẻ chịu, người không… Cuối cùng một số người có mang vàng theo, thảo luận cùng nhau gom góp thêm được ít nhiều chi đó và chúng tôi được cho đi.

Ghe ra đến hải phận quốc tế thì trời đã sáng. Nhờ biển lặng nên con tàu trôi đi bình yên trên sóng nước. Viên tài công khá giỏi, nhắm thẳng huớng hòn đảo Pulau Bidong của Malaysia mà tiến, tránh lạc vào vùng biển Thái Lan vì hiện đang có nhiều hải tặc hoành hành …Trên đường đi, chúng tôi đụng phải giàn khoan Nhật Bản đang làm việc, họ cung cấp cho ít thức ăn nhẹ và sữa rồi chỉ đường cho chúng tôi tiến về Pulau Bidong. Tờ mờ sáng, chúng tôi đã thấy hòn đảo ở đằng xa. Khoảng 9 giờ sáng thì vào bờ được. Lúc này ghe chúng tôi mắc cạn, chúng tôi tất cả đều bước xuống, cố phá hỏng chiếc ghe để khỏi bi kéo ra khơi. Một số người đến trước nghe tin có tàu mới đều chạy ra chào đón, trong số đó có Hồ Sỹ Liêm, “dân chơi” Quảng Trị phiêu dạt vô Cà Mau, và Ngô Hành Sơn, đứa bạn cùng học 4 năm Đại Học Huế.

Tính lại, chúng tôi mất 2 ngày 3 đêm để đến được nơi an toàn.

Lính Malaysia kêu gọi tất cả chúng tôi phải tập trung lại một chỗ để kiểm soát và khai báo. Bắt đầu một cuộc sống khác ở trại tỵ nạn, dù khá gian nan nhưng không có mục kiểm điểm, phê bình, tự phê, và hành hạ nhau để vươn lên...