Thursday, September 10, 2020

Chuyện Cũ Kể Lại
(Nhớ đâu viết đó giải sầu)

Đông Hà Trong Trí Nhớ (Hai)
(1975 – 1980)

{Trước khi viết tiếp, xin nhắc lại: Đây không phải là hồi ký mà chỉ những mảnh vụn nhớ đâu viết đó… nên dĩ nhiên là không đầy đủ. Viết lại như là một hồi tưởng vừa vui, vừa buồn, vừa xót xa
về một đoạn đời oan nghiệt của đất nước mà
trong đó có mình. Sau 1975, nhiều sự việc/câu
chuyện đã xảy ra với nhiều người, nhiều gia đình làm họ dở khóc dở cười và đã có nhiều người ghi lại.
Sống ở địa phương (thôn, xã) lúc đó giống như lạc vào mê hồn trận; cán bộ thôn xã, nhất là công an là những ông vua con, muốn mời ai “làm việc” cũng được, cho ai đi đâu thì đi. Giấy báo gọi đi trình diện dạy lại của tôi đuợc gởi về địa phương mà xã không giao là một thí dụ. Và số phận đưa đẩy (?) tôi may mắn thoát khỏi những buổi họp hành triền miên và những hệ lụy rối rắm ở làng xã.}

*
Niên khóa mới 1975 – 1976 trường cấp 3 dời về địa điểm mới gần Lô Cốt cũ trên đường 9. Trường nghe nói do Hà Lan (?) viện trợ xây cất, khá khang trang, có phòng ốc ngăn nắp, sạch sẽ, có khu ở dành cho giáo viên. Tôi được xếp ở chung với Đỗ Trí Thức, một giáo viên chi viện (tức lá giáo viên ngoài Bắc vào), cũng dạy Anh văn. Ở khu tập thể, giáo viên được sắp xếp hai người ở một phòng, một Nam một Bắc—chắc là tạo điều kiện để giáo viên chi viện “giúp đỡ” giáo viên “lưu dung” mau tiến bộ!
Trường Cấp 3 Đông Hà là trường trung học đuợc lập ra vào năm 1973 với tên là Trường Trung Học Đệ Nhị Cấp Quảng Trị sau khi Quảng Trị mất vào mùa hè 1972. Khi lên địa điểm mới thì trường lấy tên là Cấp 3 Đông Hà. Đa số giáo viên của trường là giáo viên chi viện. Lúc mới đến tôi cảm thấy hơi lạc lỏng, chỉ một mình tôi “ngụy”, nhưng sau mới biết có Nguyễn Đăng Hậu đã có mặt ở trường trước tôi rồi. Sau này có thêm nhiều anh chị em giáo viên cũ cùng về trường như Lê Thanh Trí, Nguyển Văn Giúp… Và sau nữa có thêm Trần Chí Thuận từ Triệu Phong ra, Nguyễn Đình Hạnh từ Hải Lăng, Nguyễn Ngọc Chủy từ Huế. Lê Cảnh Hải, Lê Huy Ngọc, Ngô Văn Dụng, Nguyễn Thị Bích Ngọc (bạn cùng khóa 4 năm Anh văn)… cũng từ Huế ra.
Trường cấp 3 Đông Hà là trường đặc biệt có hai hệ thống (về hình thức) khác nhau: hệ 10 năm và hệ 12 năm. Hê 10 năm dành cho con em các gia đình từ miền Bắc vào và hệ 12 năm cho học sinh từ Nam ra. Các bộ môn về kiến thức tự nhiên thì hầu hết là do giáo viên cũ phụ trách, nhưng kiến thức về xã hội như văn, sử địa, và nhất là chính trị thì các thầy miền Bắc giảng dạy. Trường cấp 3 Đông Hà có thầy Nguyễn Khắc Hiếu được xem như “trùm” dạy chính trị của trường.
Sự ngăn cách giữa anh em giáo viên cũng như học trò của hai hệ hầu như không quá lộ liễu và “ầm ĩ”. So với các quan chức địa phương thì khu tập thể này khá hơn nhiều. Dù sao anh chị em cũng có đuợc một số nhận thức về miền Nam tương đối cởi mở hơn qua bà con thân thích của họ hoặc qua sách vở của miền Nam mà họ giấu diếm đọc được. Tự trong thâm tâm họ, qua những lần nói chuyện với nhiều người, tôi thấy họ không nghĩ miền Nam cái gì cũng xấu.
Khi mới vào ở tập thể, tôi thường sau khi lên lớp xong là về phòng đọc sách hay loay hoay việc này việc nó nên bị phê bình là “không chan hòa”. Vì vậy sau đó dù bận chi thì bận cũng phải bỏ ra mỗi ngày một ít thì giờ đi chào hỏi anh em và tham gia vào các buổi nói chuyện tào lao vô thưởng vô phạt mà tôi hầu như chỉ biết lắng nghe.
Tội nghiệp Bích Ngọc, cô bạn học 4 năm ĐH cùng khóa, từ Huế ra bị phê bình liên tục. Phần xa gia đình, phần có con nhỏ, nên lúc nào cũng bận rộn, thấy phát thảm. Ở tập thể, dạy xong, cuối tuần là Ngọc phải vào Huế nên thời gian để “chan hòa” với đồng nghiệp đã là đề tài để bị ghim, chưa nói đến chuyện là không tập trung đủ vào công tác giảng dạy! Con gái của Ngọc lúc còn nhỏ ốm yếu và là con đầu lòng nên đuợc hai vợ chồng cưng lắm, được bồi dưỡng khá kỹ, có sữa bột để uống thêm… Chuyện này cũng là đề tài để xì xào; người ta nói con bé ốm yếu là do thừa sinh tố. Nghe tức cười mỗi lần nhớ lại.
Cái máu tiểu tư sản và ham chơi của tôi vẫn còn cho nên sau giờ dạy hoặc có thời gian chuồn được là chuồn về khu phố thị để cà phê cà pháo. Thời gian này tôi hay thả bộ về nhà Nguyễn Văn Giúp rồi hai đứa ra quán ngồi “trạo miệng” chuyện trên trời dưới đất. Giúp nhà ở gần trường nên không ở tập thể. Giúp thuộc lớp đàn anh, ra dạy trước tôi, nhưng chơi thân nên nhiều khi ba trợn kêu mi tau mà Giúp không giận lại còn khoái. Bây giờ ngồi viết những dòng này mà nhớ người bạn hiền lành và có chút bất cần đời trong máu thành ra chúng tôi lại thân nhau. Đám bạn bè chúng tôi thường gọi đùa là Bác Giúp!
Thời gian này tôi vẫn liên lạc đều với mấy đứa cùng lứa trong làng như Triệu (Sáo), Nguyên, Dưỡng để cà phê hay ăn uống quán xá khi rảnh rỗi. Có bữa đang dạy nhìn ra cửa sổ đã có Triệu đứng chờ kêu “đi họp”, có nghĩa là đi uống cà phê vì tụi nó đang ngồi chờ sẵn rồi.