Thursday, September 24, 2020

Chuyện Cũ Kể Lại (Nhớ đâu viết đó giải sầu)

Lưu Lạc Phương Nam (7) 

Những ngày ở trường Tại Chức II là những ngày tương đối yên bình với tôi, dù vẫn có những chuyện khá bực mình. Những chuyện bực mình như thế nếu nhớ mãi sẽ làm mình… bực mình thêm nên tôi không muốn nhớ lâu. Ở đâu và thời nào cũng vậy, loại người như Tô Văn Chánh thì tràn lan, quan tâm làm gì, coi như không có gì trở ngại!

Tôi vẫn đêm đêm đến trường, ban ngày đi cà nhõng, hoặc là café với Trần Hữu Nghiễm. Lâu lâu hai đứa rủ anh Phương Nam lai rai xị rượu đế với chút mồi bình dân! Đồng nghiệp ở trường thì chỉ gặp nhau ban đêm, ban ngày ai cũng lo làm thêm, bán buôn hoặc có nghề tay trái. Giờ nhớ lại từng người, làm sao nhớ hết, chỉ nhớ được một số người gần gũi dễ thương như Nguyễn Văn Hùng, Trịnh Công Đồng, Lê Ngọc Hưng, Nguyễn Thị Thắm, Lê Ngọc Minh…

Hàng ngày tôi chỉ đến lớp dạy và thường thân với học trò hơn. Học trò của tôi dù đã xong trung học phổ thông nhưng vẫn còn giữ được nét thơ ngây đáng mến, biết quý trọng người dạy học. Trong số này có Trần Như Phúc, làm việc tại Nhà Xuất Bản Mũi Cà Mau, là người hay lui tới, san sẻ vui buồn. Tôi mất liên lạc với Phúc từ khi xa Cà Mau, không biết bây giờ Phúc ra sao.

Taị trường Bổ Túc Văn Hoá (btvh) Taị Chức, Anh Văn là một bộ môn riêng, ai muốn học thì học. Tuy vậy, khi cần, giáo viên Anh văn cũng phải đi coi thi, chấm thi như các giáo viên khác.

Một kỷ niệm vui vui: Lần đầu tiên tôi coi thi học kỳ I (môn Toán?) ở một lớp btvh, một học viên nữ khi làm bài thản nhiên mở tài liệu ra chép; thấy vậy, tôi nghiêm mặt nói “Đề nghị đồng chí cất tài liệu đi.” (Ở các trường btvh, giáo viên phải gọi học viên là “đồng chí”!) Bà ta nhăn răng cười nhìn tôi, rồi bỏ tài liệu xuống hộc bàn, nhưng khi tôi quay đi thì bã lại lấy lên chép tiếp. Biết gặp thứ dữ, tôi làm như không thấy, bỏ lên bàn giáo viên ngồi. Thi xong, trên đường về nhà, tôi một mình đi giữa đám học viên thì nghe tiếng nói vọng từ đằng sau: “Ông thầy nghiêm và khó quá…” Tôi dừng lại và nhận ra "thứ dữ". Tôi cười nói: Trời ơi, chị có mang tài liệu thì cũng phải đừng quá lộ liễu chứ. Chị bỏ nguyên tập vở lên bàn rồi tỉnh bơ chép như vậy thì ai cũng phải nói! Nhưng … sau đó thì chị “tự do” mà.

Chúng tôi tiếp tục đi và nói chuyện. Tôi hỏi thăm và biết bà đang là phó công an thị xã Cà Mau! Nắm lấy cơ hội, tôi mạnh dạn nói: “Chắc mai mốt phải nhờ chị thôi. Hôm nào tôi đem giấy tờ ra chị lo cho cái hộ khẩu nhé.”

Bà ta vui lòng nhận giúp, và sau này bà đã giữ lời, giúp hai vợ chồng tôi nhập hỗ khẩu vào thị xã Cà Mau, không tốn kém gì cả. Bây giờ, khi ngồi viết những dòng này, tôi thật sự biết ơn bà phó phòng công an, một phụ nữ miền Nam ít học, chất phác, có lẽ hồi đó cái máu cộng sản chưa thấm sâu vào đầu óc bà nên dễ gần gũi, có sao nói vậy. Có lần bà kể: “Chế [chị] có chồng là liệt sỹ, gia đình cách mạng rồi, bây giờ lấy xong cái bằng bổ túc văn hoá nữa là coi như “tàng diệng” [toàn diện]. Ý nói, đã có lý lịch tốt rồi, bây giờ có được cái bằng nữa là con đường thăng quan tiến chức sẽ thông suốt.

Cuộc sống, nghĩ lại, có những bất ngờ, hên và xui chen lẫn nhau, chẳng biết đâu mà nói trước. Có nhà, có hộ khẩu, có việc làm… tôi nghĩ dù sao cũng tạm ổn định. Lúc này các trường cấp hai trong thị xã đang cần giáo viên tiếng Anh và họ đã liên lạc mời tôi dạy thêm. Như vậy, ban đêm tôi dạy tại trường Tại Chức II, ban ngày rán “cày” thêm ở các trường phổ thông. Tôi cũng đang tìm cách xin cho bà xã đi dạy lại... vì lúc này ở Cà Mau một số nơi đã biết tôi và hứa sẽ giúp.