Friday, September 11, 2020

Chuyện Cũ Kể Lại
(Nhớ đâu viết đó giải sầu)

Đông Hà Trong Trí Nhớ (Ba)
(1975 – 1980)

Trong đám con trai cùng lứa ở làng, cùng vui đùa, cùng đi học trường Tiểu Học Lai Phước với tôi, sau cuộc chiến trở về, chỉ còn lại Nguyên, Triệu (tên ở nhà là Sáo) và Dưỡng. Vì vậy, dù trước kia ít có thời gian gần gũi, nhưng khi trở về làng thì chúng tôi lại thân nhau hơn, có thời
giờ là tụ lại chuyện trò, tạo ra những câu chuyện vui mà cười.
Tôi ra ở tập thể, ba đứa chắc phải buồn nên rảnh là chúng nó ra tìm. Thì cũng đi lơ ngơ rồi tìm quán cà phê mà ngồi. Khu chợ Đông Hà những ngày đó khá nhộn nhịp với người ra Bắc kẻ vô Nam, nhất là bộ đội cán bộ tìm mua những món hàng từ miền Nam ra, đủ thứ hổ lốn, giả có thiệt có…
Nguyên và Triệu thuộc gia đình “cách mạng”, ba Nguyên là liêt sĩ, còn ba Triệu là dân đi tập kết. Bác Tâm của Triệu (tôi gọi bằng anh, con ông bác trong phái) cũng là dân tập kết trở về, sinh hoạt trong đảng bộ của xã, nên mấy anh cán bộ thôn xã nể lắm. Tiếc là hai đứa cháu (Nguyên và Triệu) lại ở miền Nam nên phải đi lính. Năm 1975, hai đứa trở về làng, nhờ có ông bác nên cũng ít bị cán bộ địa phương làm khó dễ. Có điều hai đứa này cũng thuộc loại “Trời đánh”, thích chọc giân người khác nên nhiều phen ông bác cũng kêu Trời không thấu.
Triệu bị bao tử nặng, có nhiều khi đau lắm, chịu không nổi, mà ra trạm xá (trạm y tế xã) thì người ta cho thuốc xuyên tâm liên nên không có kết quá. Một đêm đau quá, Triệu mở cửa (nhà Triệu gần nhà bác Tâm) rồi kêu to lên “bác ơi, bác ơi là bác!” Vợ bác Tâm chạy qua hỏi con kêu bác có chuyện chi rứa, Triệu nói không phải kêu bác ni mà là bác Hồ!
Trong bốn đứa đi chơi với nhau, tôi là đứa thoát ra được những phiền toái ở địa phương. Triệu thì trầm tĩnh, chịu đựng hơn, còn Nguyên và Dưỡng tìm phương kế để thoát. Một hôm Nguyên và Dưỡng bàn nhau tìm cách tự tử. Nguyên về nhà lấy chiếc xe Honda của chú (bộ đội tập kết) mua, đang gởi ở nhà, đem đi bán. Hai thằng lấy tiền mua thuốc ngủ, sẵn sàng đi vào Huế rồi tìm cách chết.
Cũng lạ, tiễn hai đứa đi vào cõi chết, mà tôi vẫn thấy không buồn mấy. Cứ nghĩ dù sao tụi nó đã có đường thoát, mình ở lại biết sao đây? Hai đứa đi được hai ba ngày gì đó, tôi nghĩ bụng chắc mọi sự xảy ra như ý rồi. Một bữa, vừa mới dạy học xong thì thấy Dưỡng xuất hiện. Thì ra hai thằng vô Huế, ăn uống no đủ, xong về Thuận An uống thuốc chờ chết. Dưỡng kể lại khi uống thuốc nó bình tĩnh chờ giấc ngủ đến, còn Nguyên thì luôn miệng đọc Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát… Đến khi tỉnh dậy thì tụi nó thấy mình nằm trong bệnh viện. Hai đứa kê khai tên tuổi (khai tên giả) rồi được bệnh viện cho về.
Cuộc đi chết không thành, hai thằng trở về đời sống bình thường, và hình như sau sự kiện này thì Nguyên bớt tham gia các sinh hoạt vui chơi của nhóm “phi chính trị” này. Chàng quen được với một cô em ở phường 5 Đông Hà, sau đó làm đám cưới, rồi giã từ cuộc chơi…
Chúng tôi còn lại ba đứa. Triệu yên tâm làm cho hợp tác xã, Dưỡng có nghề thợ mộc nên có thể đi làm ngoài lai rai được. Chúng tôi vẫn “sinh hoạt” đều và lần này có thêm Giúp. Sau này gặp thêm Thái Vĩnh Thảo, Tùng, Hậu và một số bạn bè khác…


Đông Hà Trong Trí Nhớ (Bốn)
(1975 – 1980)

Dù ham chơi, nhưng sau những ngày giờ lêu lỏng với bạn bè, tôi vẫn không quên công việc chính của mình. Tôi vẫn lên lớp đều, giáo án, sổ sách đầy đủ. Không ai than phiền chi về kiến thức chuyên môn của mình. (Nói trạng một chút, Quảng Trị mà!)
Sách giáo khoa từ niên khóa mới đã thay đổi, nội dung các bài đọc tiếng Anh là các bài viết về đời sống các lãnh tụ như Karl Marx, Lenin, về các thành tựu của phe xã hội chủ nghĩa. .. Lúc đầu, nói thiệt, cũng có hơi dị ứng, nhưng lâu rồi cũng quen. Quan trọng là làm sao cho học sinh biết được nghĩa của một từ mới, dùng từ mới trong một câu đúng văn phạm là được rồi.
Niên khóa đầu tiên (75 -76), tôi ở tập thể chung phòng với Đỗ Trí Thức. Thức có vợ đang dạy ở trường Cấp Hai nên phòng ngăn hai, một nửa dành cho hai vợ chồng, một nửa còn lại của tôi. Thời gian này tôi “tự do” đi chơi lang thang với bạn bè sau giờ dạy mà không bị phê bình gì cả. Tôi cũng có ý để hai vợ chồng có thời gian riêng tư nên có dịp là đi chơi “thẳng cẳng”.
Những năm sau, nhà trường xếp tôi ở chung với ông Nguyễn Khắc Hiếu, giáo viên chính trị & là tổ trưởng chung các bộ môn hành chánh quản trị và ngoại ngữ. Nói thiệt, lúc đầu cũng ngán, ở chung phòng với tổ trưởng kiêm đảng viên, nên làm chi cũng giữ ý giữ tứ. Nhưng gần gũi lâu thì không sao, có nhiều chuyện tức cười... (vừa cười vừa tức!) Chuyện “thầy Hiếu dạy chính trị” thì dài lắm, học sinh đều rõ cả-- khỏi kể.
Nói chung, về tập thể thầy cô giáo đồng nghiệp, ngoài một số “cá biệt”, tất cả đều dễ thương và hiểu biết. Trong tôi vẫn còn những tình cảm tốt đẹp về ông hiệu trưởng Lê Quang Vãn và các anh Lê Ngọc Minh, Trạch, Tường, Quán, Lập, Giảng, Duân (Nga văn)… Sau này có thêm một số giáo viên trẻ từ ĐH Vinh về như Trần Khánh Hải, Trần Thị Hằng…
Khoảng năm 1977 (?), ông Vãn về hưu, ông Đinh Hữu Trạch lên làm Q. Hiệu trưởng. Kinh tế cả nước quá khó khăn, đặc biệt là Bình Trị Thiên, đúng là thê thảm. Cơm tập thể từ trước đến nay đã độn sắn khoai, nay khoai sắn độn chút cơm, hoặc toàn bo bo cứng ngắt. Có nhiều đêm đói quá, chúng tôi ra ngắt đọt khoai lang vô luộc chấm muối ăn…
Một kỷ niệm khó quên: Tết (không nhớ năm nào), tiêu chuẩn của giáo viên có tăng thêm, mỗi người nhận được một ký đường chứ không phải năm lạng như bình thường. Nhận xong, tôi buộc vào phía sau xe đạp, mang vô nhà cho Mạ mừng. Đường vô làng chỗ lồi chỗ lỏm đầy ổ gà, trời mới mưa xong, chiếc xe đạp thì không có thắng, nên phải có kinh nghiệm dồi dào lắm mới khỏi bị té. Vì nôn nóng cho mau đến nhà nên xe tôi lọt xuống ổ gà rồi nhảy lên làm cho bịch đường cát phía sau rơi xuống. Xui môt cái là lại rơi ngay vào vũng nước! Hết đường hốt lại. Vừa tiếc của, vừa tự xỉ vả mình thiếu cẩn thận, đành đứng dậy lủi thủi đạp xe đi. Về nhà đâu dám kể, sợ Mạ buồn nên cứ để trong lòng mà tiếc…đứt ruột!
Về phía học sinh thì các em còn tội nghiệp hơn chúng tôi nhiều. Đa số các em ở miền quê, đi học xa, thiếu thốn đủ thứ. Tôi vẫn còn nhớ những buổi lao động, có em mang theo ít củ khoai lang để ăn trưa. Học sinh đi lao động thì chẳng khác gì các nông phu chính thức, phải cuốc vỡ đám đất cứng đầy sỏi để trồng sắn, trồng khoai. Nhìn các em như vậy, lòng xa xót lắm nhưng không có cách gì giúp được!
Nhưng phải nói thật lòng, lúc đó tôi không bi quan, vẫn hi vọng “nhà nước ta” sẽ vượt qua được những khó khăn tạm thời như đài báo nói. Tôi vẫn hết mình vì công việc và học sinh.
Đáng mừng là phần lớn học sinh đều ngoan, hiền lành, lễ phép. Tình cảm trong sáng giữa thầy trò là điều quý giá nhất mà tôi còn mang theo cho đến bây giờ. Tôi là thầy giáo tương đối còn nhỏ tuổi so với các vị khác trong trường nhưng lại là người khó nhất trong khi dạy học. Tôi có tính xấu là môt khi có học sinh nào sai phạm điều chi là tôi la tới tấp luôn. Nhiều khi về nghĩ lại cũng ân hân lắm.
Điều may mắn và hạnh phúc của người dạy học là học trò không bao giờ thù thầy cô. Trong lớp học, mình có la mắng cỡ nào, nhưng sau đó người học sinh bị la vẫn không để bụng mà thù ghét. Cứ nghĩ đi, ở ngoài cuộc đời nếu ai la mắng mình, làm sao mà để yên, phải căm cho đến chết!
Chuyện này làm tôi nhớ một kỷ niệm với một em học sinh ở lớp 11 A, không nhớ niên khóa nào. Em này tên Bình (Lê Bình?), thường ít khi chịu học giờ Anh văn, bài làm lúc nào cũng bị ít điểm, hay vắng mặt và nói chuyện trong lớp nên tôi thường khiển trách. Không hiểu vì lý do gì em bỏ học luôn rồi đi làm công nhân đường sắt. Bẵng đi một dạo, vào một buổi tối, tôi cùng Trần Khánh Hải đi chơi vòng vòng, định ghé vào quán phở ăn chút gì trước khi về ngủ. Trên đường đi thì thấy hai bóng đen nhảy ra chận lại, tôi nhận ra một người là Bình. Tôi chưa kịp phản ứng thì Bình nói (có vẻ mất bình tĩnh): “Thầy ngon ha, nghe thầy thách đánh nhau với em phải không?” Tôi định thần lại và cười nói: “Là sao? À, tôi nhớ ra rồi. Chắc là em giận vì bị la rầy trong lớp phải không? Tôi đi dạy đã mấy năm nay, lúc nào cũng coi học trò như em út của mình trong gia đình. Khi em mình làm gì sai thì la mắng là chuyện bình thường, đúng không? Nếu em thấy như vậy là không phải, thì hôm nay thầy đây, em cứ đánh đi.” Nghe tôi nói vậy, Bình cúi mặt xuống không nói. Bình nói lí nhí “em xin lỗi Thầy” và theo người bạn kia bước đi.
Từ sau giờ phút đó, tôi không gặp lại người học trò đó nữa. Không biết bây giờ em ra sao. Cầu mong cho em đã gặp được nhiều điều như ý.