Wednesday, September 23, 2020

Chuyện Cũ Kể Lại (Nhớ đâu viết đó giải sầu)

Lưu Lạc Phương Nam (4) 

Ở Sài Gòn ít hôm thì hai vợ chồng khăn gói về Cà Mau. Trước mắt, chúng tôi tá túc tại nhà anh chị Khuê/Nga. Nói là “nhà” chứ thật ra chỉ là một cái chái lớn, rộng chưa tới 20 (?) mét vuông, dựng trên con kênh đầy sình lầy! Lâu nay hai vợ chồng anh chị cộng thêm sáu đứa con chen chúc trong cái chái này, bây giờ chịu đựng thêm hai vợ chồng tôi nữa thì đúng là không ai tưởng tượng nổi.

Ngồi trong “nhà” nhìn xuống kênh thì thật là khủng khiếp; đủ thứ rác rưởi, đủ thứ dơ dáy trên đời, lều bều theo con nước không thoát kịp, đọng lại, tỏa mùi hôi nồng nặc, nhất là khi trời nắng nóng! Lúc đầu thì khó chịu, nhưng riết cũng quen. Cứ sống, cứ thở, còn sống/thở ra sao mặc kệ. Chúng tôi cũng phó mặc cho số mệnh đưa đẩy, phải tìm cách có ngày hai bữa rồi tính.

Ít lâu sau, hai vợ chồng “ra riêng”, thuê căn gác ở một ngôi nhà bạn của cháu Sương trong hẽm Huỳnh Long. Buổi sáng tôi đứng xớ rớ phụ vợ chăm lo “dịch vụ mua bán quần áo cũ”. Trải miếng nylon xuống đất, để áo quần cũ ra cho khách hàng lựa, vợ bán, chồng canh chừng thuế vụ rượt bắt. Nếu thấy cán bộ thuế vụ xuất hiện là tôi… ôm đồ chạy! Buổi chiều tôi vào trường “gõ đầu trẻ”.

Cuộc sống nếu cứ đều đều như thế thì coi như là tạm ổn định nơi ăn chốn ở, khỏi phải suy nghĩ xa vời. Nhưng mà, có lẽ cái số tôi không hạp với chủ nên cả đời tôi lúc nào cũng khổ vì chủ. Có thể cái tính ưa choc người ta ghét hay là cái tính không thể chịu đựng những thứ gai mắt quá lâu đã khiến cho tôi thường bị mất việc hoặc tự bỏ việc. Ở Việt Nam cũng như sau này khi đã qua bên Mỹ ngôi sao khắc chủ cứ mãi chiếu trên đầu!

Trờ lại chuyện ở trường Phường 2, tôi dạy đâu được một hai học kỳ (hình như chưa tới một năm?) thì một hôm trong giờ ra chơi, người bảo vệ (phu trường) kéo tôi ra ngoài nói nhỏ: “Ông cẩn thận nghe, đi vượt biên thì coi chừng… Hôm kia công an vào văn phòng hỏi về ông đó.” Tay bảo vệ này còn trẻ, cỡ tuổi tôi, chắc nghĩ tôi cũng như bao nhiều người đang tìm đường vượt biên, tìm cách thoát khỏi thiên đường xã hội chủ nghĩa nên thật lòng báo cho tôi hay. Tôi cười cười không nói gì. Thật ra lúc này tôi chưa có ý định ra đi (tiền đâu mà đi!). Tôi biết công an theo dõi tôi vì chuyện gì nên hơi giật mình… Không ngờ đã chạy về đây mà công an vẫn nghi ngờ, vẫn còn theo. Tôi tự nhủ lòng, họ nghi thì nghi, mình không làm gì chống đối thì sợ chi…(Nói thì nói vậy nhưng vẫn “nhớ” đôi mắt trắng dã của gã công an chìm ở Đông Hà!)

Tôi tiếp tục dạy bình thường dù biết Trần Văn Minh, tay hiệu trưởng, tỏ ra lạnh lùng với tôi ra mặt; khi gặp không chào tôi và dĩ nhiên tôi cũng không chào hỏi gã. Chưa biết mèo nào cắn mĩu nào, và kết quả là đây: Năm học mới, tôi vào văn phòng trường xem bảng phân công giảng dạy các lớp nhưng dò lui dò tới mấy lượt vẫn không thấy tên mình. Lặng người một lúc và chợt hiểu mọi việc, tôi vội bước đi trong nỗi bực mình… có tên!

Tôi quay về với dịch vụ quần áo cũ. Đúng là Trời thương. Cái dịch vụ bán quần áo cũ lưu động dưới đất lại đắt khách, có đồng vô đồng ra, luôn bận rộn nên đỡ phải suy nghĩ.

Căn gác trọ hiện đang ở có nhiều bất tiện. Gác thì nhỏ, mỗi lần lên là phải bò. Lên đến nơi thì chỉ ngồi thôi, không thể đứng thẳng người vì trần thấp quá. Vì thế, chúng tôi có ý định tìm một chỗ khác khả dĩ thoải mái hơn. May thay, cuối hẽm Huỳnh Long có một chị, tên Nguyệt, chuẩn bị mang con nhỏ vào ruộng sống với nhà chồng và căn nhà lá của chị còn bỏ trống đang cần người ở trông coi. Thế là chúng tôi đuợc dọn vào căn nhà này. Nhà là một cái chòi lá diện tích chưa tới 10 mét vuông, dựng lên giữa đồng ruộng, tường là phên bằng đất sình khô, bao quanh chòi là nước. Mới nhìn chòi giống như một ốc đảo xơ xác lẻ loi không ai muốn tới! Muốn vào chòi chúng tôi phải gác hai cây gỗ dài chừng ba/bốn mét để làm “cầu” bắc qua. Cầu gập ghềnh khó đi, nếu không quen, rơi xuống nước như chơi!

Có lần, khoảng nửa đêm, công an đi kiểm tra hộ khẩu, họ không tìm ra đường vô nên la lối om sòm. Nằm trong chòi nghe tiếng láo nháo bên ngoài mà run vì chúng tôi không có hộ khẩu, giấy tạm trú tạm vắng cũng không! Lâu lâu lại nghe tiếng chười thề “Đ.m., zô đường nào mày?” từ bên ngoài vọng vào làm chúng tôi sợ đến chết! Cũng may, hình như kiếm mãi không ra đường, cuối cùng họ đành bỏ đi.

Ngày tháng cứ dần trôi qua. Chúng tôi tập làm quen với đời sống chợ búa nhưng khó thích nghi với cảnh chụp giựt, mánh mum ở chợ nên thường hay bị những cú lừa vui vui. Một chị bụng bầu đến năn nỉ mượn tiền, thề với Trời Đất nếu có gian dối thì sinh con ra bị tật nguyền, đi xe xe lật, đi thuyền thuyền chìm. Nhận tiền xong, chị biến luôn. Thằng con chị sinh ra, biết đi biết chạy rồi mà chị vẫn không trả!

Thêm một chuyện nữa: Tâm, một thanh niên người Quảng Ngãi, lang bạt vào Cà Mau, làm nghề chạy mánh thuốc tây, cả ngày bắc ghế ngồi chờ thời. Nếu có ai cần mua thuốc thì Tâm chạy đi lấy thuốc ở những nơi khác rồi bán cho khách để kiếm tiền cò. Thu nhập hàng ngày dĩ nhiên chẳng được bao nhiêu. Thấy tội nghiệp, tôi thường rủ về nhà ăn uống chơi cho vui. Một lần tôi giao cho Tâm một bịch thuốc tây mua từ Đông Hà vô chưa bán và nói chỉ lấy lại tiền vốn, còn Tâm bán được bao nhiêu thì phần Tâm. Cuối ngày không thấy Tâm trở lại, tôi nghĩ bụng đến ông Phật sống này mà còn lừa mình thì chắc chắn trong cuộc đời này chẳng dám tin ai. Và rồi Tâm biến luôn, bỏ hẳn Cà Mau! Tôi hơi buồn một chút nhưng không trách, tự nghĩ chắc nó kẹt chuyện gì đó. Sau này, có người gặp Tâm trên Sài Gòn, Tâm nói không dám về Cà Mau vì “mặt mũi đâu mà nhìn anh chị Hùng!”

Tôi quen dần với công việc mua bán quần áo cũ. Sau này nhờ có đồng vô đồng ra nên chúng tôi cũng "chạy" mua được cái sạp để ngồi một chỗ chứ không còn bán dưới đất nữa.