Wednesday, September 23, 2020

Chuyện Cũ Kể Lại (Nhớ đâu viết đó giải sầu)

Lưu Lạc Phương Nam (1) 

Rời Đôn
g Hà, tôi một mình nhắm phương Nam mà tiến. Chưa biết dừng chân ở đâu và sẽ ra sao những ngày sắp tới. Tương lai mờ mịt nhưng lòng chưa mịt mờ! Cứ vô tới Sài Gòn rồi tính, ít nhất trước mắt cũng có được nhà ông anh ở đó, tạm
dung thân xem sao.

Sài Gòn lúc này, so với trước, có vẻ tiêu điều hơn nhưng sau những ngày tháng ở Đông Hà bé nhỏ, tôi trở lại và thấy Sài Gòn vẫn còn những nét “hoa lệ”, dư âm đời sống cũ vẫn còn. Đặc biệt người dân hình như đã quen dần với đời sống mới, bớt sợ chính quyền hơn… Đi đâu cũng nghe bàn chuyện vượt biên, chuyện tiếu lâm thời đại. Và mọi người, nhất là những ngưòi một thời che giấu cán bộ “cách mạng”, giờ đã sáng mắt ra. Tôi chợt nghĩ tới (và thấy đúng) lời của vị tướng một mắt Do Thái: Muốn thắng Cộng Sản phải để cho Cộng Sản thắng!

Những ngày ăn không ngồi rồi ở Sài Gòn không làm cho tôi yên tâm. Tôi về Long Xuyên tìm Tấn, thằng bạn dạy ở Ban Mê Thuột năm xưa, để xem thử có xin được một việc gì để làm ở đó không. Hai thằng mừng rỡ gặp lại nhau là chuyện đương nhiên, nhưng nó cũng chẳng giúp được gì. Tấn người La Hai, có ba đi tập kết về (nghe làm to), nhưng hai cha con không hạp nhau vì Tấn nhất định lấy vợ con nhà tư sản. Tấn bỏ La Hai cùng vợ về Long Xuyên xin đi dạy lại. Nhờ có cái lý lịch tốt của ông già cộng thêm phong bì kèm theo (chắc nhờ bên vợ giúp), nên Tấn được nhận cho dạy lại. Còn tôi, tứ cố vô thân, không cây không chỉ (vàng) nên đành “tạ từ trong đêm” để trở về Sài Gòn. Tôi tìm đến Hội Trí Thức Yêu Nước xem thử có ai quen hoặc loanh quanh tìm xem có cách chi để kiếm chân dạy Anh văn miễn phí tại đây, phòng khi kiểm tra hộ khẩu khỏi bị công an làm khó dễ. Cũng không có kết quả gì. Hội Trí Thức Yêu Nước, cái tên nghe xôm tụ như thế, chỉ là nơi “tả pí lù”, đủ mọi thành phần tào lao xí đế, quen biết nhau để mánh mum tranh sống… Và dĩ nhiên một đứa nhà quê khù khờ như tôi thì… không có chỗ!

Có lần bí quá, tôi đạp xe trong cái nắng Sài Gòn để về Biên Hòa, gõ cửa Sở Giáo Dục, nộp đơn xin việc nhưng ở đó người ta cũng viện cớ này cớ nọ để từ chối. Ho tưởng tôi là người từ hành tinh khác tới, đi xin việc mà không biết thủ tục “đầu tiên”.

Buồn quá, tôi lại quay về Sài Gòn, lẩn tha lẩn thẩn, rồi quyết định đi Đông Hà thăm vợ và gia đình. Vợ tôi, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm nhưng không được đi dạy vì lý lịch bị công an địa phương phê quá xấu, đành phải ở nhà lao động tại địa phương phụ giúp gia đình gần năm năm trời. Sau này nhờ có người bà con làm việc ở Nhà Khách Huế, nơi tiếp đón các nhân vật tai to mặt lớn về trọ, nói với bà Nguyễn Thị Bình (lúc đó là bộ trưởng giáo dục) nên được bà can thiệp cho về dạy tại trường cấp 3 ở Quảng Trị (nằm trong khuôn viên trường Nguyễn Hoàng cũ). Vì mới được đi dạy nên bỏ cũng tiếc (?) và cũng sợ gia đình lo lắng nên vợ tôi để tôi đi tìm đường trước.

Hình như tôi cứ đi ra đi vô Sài Gòn – Đông Hà liên tục như thế đã làm nhiều người tưởng tôi đi buôn lậu và cũng là dịp để công an nghi ngờ đi liên lạc hoạt động! Đúng là kêu Trời không thấu!

Sau những chuyến vô Nam ra Trung, thấy cũng oải, tôi quyết định về Cà Mau, nơi có anh Khuê/chị Nga đã vào “cắm dùi” từ mấy năm trước. Chị Nga là chị ruột của Lê Tây, thằng bạn học từ những năm ở Nguyễn Hoàng, Quảng Trị và bốn năm đại học Huế. Tôi có số được “quý nhân phò trợ” nên thường hay được nhiều người giúp đỡ khi gặp hoạn nạn hay những trường hợp khó khăn. Khó mà giải thích nổi vì sao một con người dễ ghét như tôi, thường hay nói “móc họng” người khác, và tính tình khó chịu lại được khá nhiều người thương yêu che chở! Chắc là có số thiệt. Hầu như các thành viên trong các gia đình của những thằng bạn của tôi ai cũng xem tôi là người nhà… Và anh Khuê/chị Nga là nơi nương tựa cả tinh thần lẫn vật chất ở tận cùng đất nước…