Wednesday, September 23, 2020

Chuyện Cũ Kể Lại (Nhớ đâu viết đó giải sầu)

Lưu Lạc Phương Nam (2)

Tôi về Cà Mau “bám” anh Khuê/chị Nga sau khi quẩn quanh ở Sài Gòn mà tìm không ra lối thoát. Hỏi thăm đường đi nước bước xong là khăn gói lên đường.

Bến xe Miền Tây, ồn ào náo nhiệt suốt ngày đêm, là nơi tụ họp đủ loại người chầu chực mua vé, xếp hàng bán chỗ. Muốn có vé đi ngày mai thì phải xếp hàng từ chiều hôm trước, ngủ lại qua đêm, chịu đựng đủ thứ âm thanh hỗn độn, đủ thứ mùi hôi hám từ khắp nơi đổ về. Trước quầy bán vé có vẽ sẵn hai lối để cho khách xếp hàng: một hàng ưu tiên cho cán bộ đi công tác, thương binh, phụ nữ có thai… và một hàng dành cho khách đi lại bình thường. Xe chạy tuyến đường xa như Sài Gòn – Cà Mau là xe lớn có thể chở từ 30 đến 40 người, nhưng thường mỗi xe vé chỉ bán ra khoảng 10 hoặc 15 vé thì được Ban Quản Lý thông báo hết vé, cửa đóng sập lại ngay, khỏi giải thích. Mỗi ngày chỉ có hai, lâu lâu mới có ba, chuyến xe đi Cà Mau. Ai mua vé không được thì mua chợ đen hoặc ở lại xếp hàng chờ chuyến ngày hôm sau!

Ăn cơm tối xong, tôi ra bến xe, đi loanh quanh quan sát. Quầy bán vé đã có người xếp hàng và một số người mánh mum gạ hỏi cần vé đi đâu, sẽ bán cho, khỏi xếp hàng chi mất công. Tôi có giấy đi công tác nên đứng trước vào hàng ưu tiên, ngủ tại chỗ cho chắc ăn. Giấy đi công tác thì tôi có nhiều, thủ sẵn để phòng khi mua vé tàu, vé xe. Giấy này do tôi “tự biên tự diễn” nghĩa là xin hoặc lượm lại giấy đi công tác cũ của người khác rồi tẩy đi, đề tên mình vào. Đúng là “bần cùng sinh đạo tặc!”

Năm (hay sáu?) giờ sáng, quầy vé mở cửa. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn điện vàng vọt, tôi đưa giấy công tác và chứng minh nhân dân cho viên bán vé, rồi nói “Dạ, anh bán cho một vé đi Cà Mau”. Nghe giọng nói “miền ngoài” của tôi, anh ta yên trí đúng là cán bộ thiệt (!), nên đưa tay lấy tiền, đếm cẩn thận rổi giao vé cho tôi. Mua được vé, tôi mừng như trúng số.

Chuyến xe Sài Gòn - Cà Mau, đoạn đường dài chưa tới 300 km, chạy từ sáng sớm mà đến 12 giờ đêm mới đến nơi. Qua hai cái phà Mỹ Thuận (Vĩnh Long) và Cần Thơ đã trần ai, lại còn phải qua không biết bao nhiêu trạm thu thuế chờ đợi, khám xét, thì đúng là một cực hình dã man nhất thế kỷ. Mỗi cán bộ thu thuế là mỗi ông trời con (chẳng thua gì công an khu vực); họ cố moi móc trong từng ngõ ngách của xe và ngay cả cơ thể của hành khách để tìm ra những món hàng nhỏ nhặt thu giấu của người dân kiếm sống qua ngày. “Biết điều” thì cho qua, còn không, thì vài tuýp kem đánh răng hay một ký lô gạo cũng bị tịch thu!

Xe vào bến xe Cà Mau đúng nửa đêm về sáng. Tôi hỏi đường về Phường 2, rồi lủi thủi cuốc bộ trong bóng đêm nhạt nhòa… Vừa đi vừa sợ, nghe nói người lạ mặt loạng quạng về Cà Mau dễ bị bắt nhốt như chơi, quy cho tội tìm đường vượt biên, rồi sẽ được đưa vô trại giam Cây Gừa lao động cải tạo! Ôi, cái số của tôi hay là kiếp người dân Việt-- sao đi đâu cũng bao quanh bởi sợ hãi?

Chợ Phường 2 kéo dài từ Chùa Bà cho đến gần bến tàu; tôi vừa đi vừa tìm người để hỏi đường, nhưng khổ nổi lúc này mọi hàng quán đều đóng, chỉ có vài quán ọp ẹp còn để đèn leo lét. Tôi ghé vào một quán nhỏ, lên tiếng đánh thức bà chủ đang ngủ khò trên một chiếc ghế dài nhỏ, và kêu một tô bún. Bà loay hoay một hồi, rồi dậy múc bún ra tô đưa cho tôi. Tôi miễn cưỡng vừa ăn vừa hỏi đường, và câu trả lời của bà chủ là không biết!

Ăn xong, tôi bước ra khỏi quán, nhưng chẳng biết đi đâu, đành ngồi vào một góc đường nhìn quanh chờ sáng. Nhìn đường sá hẹp, lồi lõm đầy ổ gà, và sình lầy của thị xã Cà Mau, tôi không biết rõ mình buồn hay vui, hay nhập nhằng trong tâm trạng của kẻ “thiếu quê hương,” giữa ở và về, giữa tiến lên và bỏ cuộc. Thời gian chờ sáng lúc này đúng là dài kinh khiếp, vừa phập phồng lo sợ công an hay dân phòng đi tuần bắt gặp, vừa chịu sự tấn công của muỗi!

Trời sáng. Tôi đi từ đầu chợ đến cuối chợ tìm chị Nga, hỏi thăm khắp cả, nhưng không ai biết chị là ai. Chị có nói về Cà Mau, ra chợ hỏi chị thì ai cũng biết, mà sao lạ vậy? Giữa lúc đang ngập ngừng chưa biết tính sao thì chị Nga xuất hiện. Chị đến từ sau con hẻm nhỏ, lúc tôi đang hỏi một chị đang bày hàng ra bán, bỗng có người nói “có phải bà này không?” Tôi nhận ra chị. Chị em gặp nhau, mừng rỡ, quên hết những bực bội dọc đường. Chị dẫn tôi đi chào hỏi bà con bạn hàng ở chợ. Đúng là ai cũng biết chị thiệt. Chị Khuê. Người ta gọi chị theo tên chồng là “chị Khuê” trong lúc tôi cố đi tìm chị Nga!

Vậy là tôi đã về với Đất Mũi, một đoạn đời mới sẽ bắt đầu…