Friday, September 11, 2020

Chuyện Cũ Kể Lại
(Nhớ đâu viết đó giải sầu)

Đông Hà Trong Trí Nhớ (Bảy)
(1975 – 1980)

Tôi Đi Buôn Vàng

Sau tháng 4/1975, về với cách mạng, chúng tôi cố làm quen với đời sống mới. Thầy cô dạy học và cán bộ công nhân viên cấp thấp vẫn dựa vào "tiêu chuẩn" để sống, nghĩa là nhà nước phát gì ăn nấy. Hằng ngày như cái máy, ngoài thời gian đi làm việc, về nhà thì lo loay hoay cuốc trồng thêm cây ớt, ngọn rau để "cải thiện" thêm! Đời
sống người giáo viên "nhân dân" (mà bà con thường gọi là giáo viên “nhăn răng") càng tệ hại hơn! Hình như hiếm khi bao tử được đầy, người thiếu chất nên thấy chi cũng thèm. Cuộc sống cứ quanh quẩn nghĩ về vật chất thì làm sao mà lo đời sống tinh thần được, đừng nói chi đến tình cảm yêu thương giữa người khác phái!
Những năm 1978/1979, Đông Hà khá rộn rịp dù nhà cửa trong thị xã vẫn vậy. Chợ Đông Hà là nơi tấp nập kẻ bán người mua vì là nơi dừng chân của các chuyến xe Bắc Nam và là ngã ba đi lên Lào. Đây là nơi trao đổi hàng hóa từ Sài Gòn, Đà Nẵng ra, hàng từ Thái Lan về qua ngã Lào… Trong chợ, các hàng quán bày bán khá đầy đủ sản phẩm, chợ lúc nào cũng đông đúc, nhất là bộ đội từ Bắc vào mua các hàng thủ công xa lạ từ Sài Gòn ra mà mấy chục năm lo xây dựng chủ nghĩa xã hội chưa được nhìn thấy!
Ở các tỉnh phìa Nam, đồng nghiệp của tôi sau giờ lên lớp, còn cố chạy thêm xe thồ (xe ôm) để kiếm thu nhập. Ở thị xã nhỏ bé như Đông Hà thì khó làm được như thế vì có thể bị nhà trường phê bình, kiểm điểm và phần lớn là vì sĩ diện “lá rách phải giữ lấy lề”.
Một hôm, có lẽ do bốc đồng vì máu thanh niên ham liều lĩnh, tôi và Ngô Văn Dụng lại nghĩ ra chuyện đi buôn để kiếm thêm tiền uống cà phê chơi. Chỉ cần chút vốn nhỏ bỏ ra thử coi, làm “văn nghệ” ngoài giờ, chớ giáo viên vốn đâu mà lo buôn làm giàu!
Một buổi sáng Thứ Bảy, tôi và Dụng lên kế hoạch làm một chuyến đi Đà Nẵng lấy hàng. Giờ cũng không nhớ rõ tiền đâu mà hai chúng tôi bỏ ra làm vốn. Lúc này bông tai (vàng giả) dành cho các chị em phụ nữ bán rất chạy ở chợ; có bao nhiêu mấy đồng chí bộ đội và cán bộ mua hết. Họ mua và về bán lại cho những người ngoài đó.
Chúng tôi ra chợ hỏi giá người ta thu vô bao nhiêu, rồi tính toán để vào đó trả giá nếu có lời thì tính tới… Hai thằng ngồi dự trù đi và về trong ngày, phuơng tiện thì nhảy tàu cọp nên khỏi tính vào chi phí! Buổi trưa thì ăn uống qua loa chi đó cho xong, về bán hàng có lời sẽ “tẩm bổ” sau.
Trên con tàu từ Huế vào Đà Nẵng, hai chúng tôi đứng giữa đoạn nối giữa hai toa, vừa vui vừa hồi hộp. Vui vì đã leo lên được tàu và hồi hộp là không biết có bị té xuống lúc nào! Vào đến Đà Nẵng đã trưa, chúng tôi hai thằng cuốc bộ từ ga xe lửa về chợ Cồn (?) giữa cái nắng khắc nghiệt của Đà Nẵng, chịu đựng mùi hôi sình lầy từ các cống rảnh đưa lên. Có lúc khát nước quá, tôi kêu Dụng dừng lại để làm một ly gì cho mát mà Dụng cự nự, nói nên tiết kiệm đã… thành ra cũng đành “khắc phục,” chỉ được uống nước chè bình dân thôi!
Vô chợ hỏi giá hầu hết các sạp để khỏi bị hớ. Cũng làm ta đây có vẻ kinh nghiệm, nói với họ bán buôn uy tín đàng hoàng lần sau chúng tôi sẽ quay lại…. Cuối cùng cũng gặp được một chỗ ưng ý, so sánh giá cả và thấy đem về Đông Hà bán lại chắc là uống cà phê mệt nghỉ! Giá ở Đông Hà (không nhớ chính xác), họ thu vô là 2 đồng mà ở đây bán ra chưa tới 50 xu. Đúng là trúng mánh!
Ra khỏi chợ đã gần 3 giờ chiều, hai thằng vội vã ra ga để về lại Đông Hà. Gần 5 giờ tối mới có chuyến tàu chở đá đến. Chúng tôi canh chừng mọi phía và chờ khi tàu chạy thì nhảy lên. Vì là tàu chở đá nên không có việc kiểm soát hành khách. Đến 6 giờ tàu chuyển bánh. Chúng tôi nhảy lên tàu và khi tìm thấy có một toa trống thì hai thằng yên tâm nhảy vào nằm nghỉ ngơi. Chúng tôi rộn ràng nghĩ tới giây phút có được món tiền lớn và những chuyến đi kế tiếp…đến nỗi cả hai thằng thiếp đi lúc nào không hay!
Khi tình dậy, thấy chung quanh yên tĩnh một cách khác thường, không một tiếng nói hay một tiếng động nào… Hoảng quá, chúng tôi nhìn kỹ lại mới biết toa tàu chúng tôi nằm bị cắt bỏ lại tại ga Kim Liên này vì là toa trống!
Chúng tôi ôm đồ đạc đi ra khỏi ga và kiếm chỗ ngổi đợi chuyến tàu kế tiếp. Hai thằng đang ngồi, chưa kịp định thần thì nghe tiếng súng lên đạn và một nhóm du kích xuất hiện. Họ gọi nhau đến, bắt đầu lục lọi hàng hóa, thấy toàn vàng là vàng. Mặt người nào người nấy có vẻ “phấn khởi” lắm. Tôi nghĩ bụng; “Chết mẹ, chuyến này coi như tiêu tan vốn liếng. Xui quá, đụng phải thuế vụ!”
Kiểm tra giấy tờ và nghe chúng tôi trình bày sự việc và biết đó là vàng giả, chúng tôi thấy họ không sốt sắng chi mấy việc giữ người và giữ hàng nên hơi yên tâm. Họ bỏ đi và nói: May cho các anh đó, nếu gặp thuế vụ là tiêu rồi!
Thì ra họ tưởng là bắt trúng mối vượt biên để ít nhất có một số vàng chia nhau. Ai ngờ!
Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm và tiếp tục ngồi chờ tàu để đi tiếp đoạn đường còn lại. Gần đến nửa đêm thì tàu đến. Chúng tôi len lỏi lên được và về đến nơi sau cuộc hành trình lý thú!
Sáng sớm mới về đến trường. Tắm rửa xong, hai đứa hí hửng mang “vàng” đi bỏ mối. Rất vui là người ta cũng giữ lời hứa thu vô 2 đồng, nhưng khi tính ra thì hỡi ôi, kêu trời không thấu. Đơn vị bông tai là cứ mỗi đôi (hai chiếc) 2 đồng, trong khi chúng tôi mua ở Đà Nẵng người ta tính đơn vị là 1 chiếc! Thì ra chúng tôi bị mấy bà chị ở chợ Cồn Đà Nẵng chơi một vố nhớ đời!
Hai thằng nhìn nhau cười như mếu mà không dám kể cho ai. Dại chi mà dại dữ ri Trời! Ôi, bước đầu tập đi buôn của hai thầy giáo trẻ.
Và sau đó chúng tôi bỏ nghề đi buôn luôn, buôn chi cũng không dám, nói chi buôn vàng!