Friday, September 25, 2020

Chuyện Cũ Kể Lại (Nhớ đâu viết đó giải sầu)

Buồn Vui Ở Trại Tỵ Nạn (1)

Vẫn nhớ khi mới lên bờ, dù bỡ ngỡ trước cảnh vật mới, nhưng lại rất vui mừng vì biết chắc mình sẽ thoát khỏi nơi mà mỗi phút giây sống là mỗi bấp bênh, lúc nào cũng phải canh chừng, phải đối đầu với những nghi kỵ, phản phúc.. Mười lăm năm! Thúy Kiều của Nguyễn Du trải qua mười lăm năm lưu lạc; còn tôi, mười lăm năm lạc lỏng và sợ hãi ở chính nơi mình sinh ra và lớn lên!

Trong khi chờ đợi sắp xếp nơi ăn chốn ở, chúng tôi được phỏng vấn nhanh gọn để Cao Ủy Tỵ Nạn phát hồ sơ xin đi các nước thứ ba. Hồ sơ đi Mỹ được phát cho những người có dính líu đến Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), như quân nhân/công chức và con cái của họ. Tôi thuộc diện công chức, nên đến bàn nhận hồ sơ đi Mỹ, anh chàng phát hồ sơ (ngưòi Việt) nói: “Ông là giáo sư cũ nhưng thời gian làm việc quá ngắn nên không đủ điều kiện đi Mỹ.” Nghe vậy, tôi “ứa gan” nhưng rồi cũng giữ được bình tĩnh vì biết anh chàng này thuộc loại ngu lâu, lý sự với anh ta chắc sẽ không đi đến đâu. Hơn nữa, lúc này nhiều người vào, ai cũng muốn đi Mỹ nên trong phòng rất lộn xộn. Liếc mắt thấy có một đống hồ sơ ở bàn bên, và trong khi không ai để ý, tôi ghé tới lấy một xấp, rồi ra ngoài điền. Để cho chắc ăn, tôi khai thuộc hai diện, bản thân là công chức và vợ là con quân nhân. Điền xong, tôi đem hồ sơ vào nộp và không thấy trở ngại gì cả. Trước mắt, mừng cái đã, sau này thiếu giấy tờ gì thì bổ túc sau!

Trên đảo có một bộ phận “an ninh” được gọi là “Special Branch (SB)” và những người làm việc trong bộ phận này đa số là người Việt. Họ cũng là dân vượt biển và vì trước đây đã làm việc trong ngành tình báo của VNCH hoặc là cảnh sát nên họ đuợc chọn vào làm ở bộ phận này. Công việc của họ là dò xét lại các hồ sơ xem thử có ai khai gian hay có Việt cộng trà trộn vào không. Dĩ nhiên, có một số người làm việc tại SB lại muốn tỏ ra quyền uy quá đáng (tiếng Quảng Trị kêu là “mần trạng”) nên thường bị bà con rủa. Có một bà bị hành quá, tức mình, ra chưởi đổng: “Trời ơi là trời, ở Việt Nam thì sợ cộng sản, vượt biên qua đây thì sợ cộng đồng!” Bà con vổ tay, vui cả làng vì SB không thể cậy quyền cậy thế để làm khó bà ta được.

Việc đầu tiên lên đến đảo là viết thư báo cho người thân biết mình đã tới nơi. Tôi thư cho ông anh và thầy giáo cũ Thomas Malia cầu cứu, hỏi xem có cách chi rời đảo sớm được không, đồng thời cũng tìm cách báo về Việt Nam biết để chung trả cho người đã đưa gia đình mình đi. Về phía tổ chức. họ cũng biết là tàu đã đến nơi an toàn nên tìm cách liên lạc với thân nhân của“hành khách” để nhận tiền/vàng. Riêng người đưa chúng tôi đi, ông ta chỉ lấy hai cây thay vì ba cây như đã nói trước đây. Đúng là Trời thương! Tôi thường nghĩ đùa: Chắc ông ta nghĩ làm sao trong một xã hội đầy lừa đảo như thế mà lại có người dại dột, giữ lời hứa trả đúng như giao ước nên cảm động mà bớt cho chăng?

Có điều đến bây giờ tôi vẫn còn áy náy là không có được địa chỉ của người đưa mình đi để liên lạc hỏi thăm và tỏ lòng biết ơn họ. Thôi thì chỉ biết cầu mong sao cho ông và gia đình luôn bình an và gặp nhiều điều như ý.

Một năm sống ở đảo, chờ mong được chính thức phỏng vấn để đi, hồi hộp cũng dữ vì chưa biết có bị “xù” hay không. Có ông trưởng trại, trước là sỹ quan của quân đội VNCH, mới bị Mỹ bác hồ sơ nên phải xin đi Canada, kéo dài thêm thời gian chờ đợi. Thấy người ta vậy, mình cũng hoảng, viết thư cầu cứu tới tấp nhưng chờ thì vẫn cứ chờ…

Người đi Mỹ phải qua hai cuộc phỏng vấn mà bà con ở đây gọi là "Lên Bàn 3" và "Lên Bàn 4". Bàn 3 là bàn của phái đoàn Mỹ chính thức coi hồ sơ và phỏng vấn xem người ngồi trước mặt là thiệt hay giả. Bàn 4 là bàn quyết định được chấp thuận hay bị từ chối.

Gần hơn sáu tháng sau chúng tôi mới có danh sách lên Bàn 3. Thấy thái độ của người phỏng vấn mình và liếc nhìn trên tập hồ sơ có thư giới thiệu của ông thầy Thomas Malia và giấy tờ của ông anh đang ở Mỹ nên tôi yên tâm. Sau cuộc phỏng vần ở Bàn 3 tốt đẹp, chúng tôi về chờ tiếp để lên Bàn 4.