Wednesday, September 23, 2020

Chuyện Cũ Kể Lại (Nhớ đâu viết đó giải sầu)

Lưu Lạc Phương Nam (3) 

Những ngày làm quen với đời sống và sinh hoạt ở thị xã cuối cùng đất nước dù sao cũng đã để lại nhiều dấu ấn đáng ghi nhớ, ít nhất cũng tạm quên được những lo âu khắc khoải, những khuôn mặt cú vọ, những ảm ảnh bất an…

Buổi sáng theo anh Khuê ra chợ, xem cảnh sinh hoạt bán buôn, gặp người này người nọ, đủ loại người Bắc, Trung, Nam… Ở đây, tôi gặp lại Diêu/Nhạn, gặp anh Khảng, anh Duệ, anh Công, Hồ Sỹ Liêm, Dũng /Nga, Hồng/Ba, anh chị Thỉnh/Huế, Chánh… và nhiều đồng hương miền Trung khác. Anh em chia nhau ly cà phê, chào hỏi chuyện trò, và chờ đợi mông lung một ngày đời đổi…

Nhưng cái gì mãi cũng sẽ chán, nhất là cứ ăn không ngồi rồi, đi lòng vòng, đến bữa về ăn! Cái mặc cảm “ăn bám” này cứ ảm ảnh tâm trí dù anh chị Khuê/Nga và các cháu coi tôi là thành viên gia đình, không có biểu hiện gì khó chịu. Tội nghiệp chị Nga, chắc hiểu tâm trạng tôi, biết thằng em mình vô tài bất tướng, không đủ “mưu trí” để bon chen giữa chợ đời mua bán nên đã bỏ nhiều thời gian tìm cách này cách kia giúp tôi trở lại cuộc sống dạy học.

Rồi tôi gặp Dương Thanh Long. Long dân Cà Mau, đã học xong khóa báo chí ở Hà Nội, thuộc gia đình “cách mạng” vì có ông anh đi tập kết… Thời gian ở Hà Nội, Long có quen biết Lê Tây (thằng bạn từ nhỏ đến lớn của tôi và là em ruột chị Nga). Long hiện đang làm phóng viên cho báo Minh Hải đóng tại Bạc Liêu, đi đây đi đó, lâu lâu về Cà Mau thăm gia đình. Có lẽ chị Nga có nói với Long tình cảnh của tôi nên tạo cơ hội cho chúng tôi gặp nhau. Gặp Long tôi cũng nói chuyện tầm vơ, thăm hỏi chơi, chứ không trực tiếp nhờ vã. Tính tôi vậy, ghét nhờ cậy và không có “tài ngoại giao” cho nên không sống được với “thời đại vinh quang” này!

Long cũng hay, tính tình thẳng thắn, giúp đỡ bạn bè tận tình, cho nên tự mình lấy giấy tờ của tôi lên Phòng Giáo Dục Cà Mau nộp xin việc cho tôi. Lúc này người làm báo ở Việt Nam cũng tương đối có “uy” vì báo là báo Đảng, cho nên nhờ có Long “che” mà Phòng Giáo Dục sắp xếp cho tôi về dạy hợp đồng ở trường Cấp 1 Phường Hai, Cà Mau.

Có quyết định, tôi đến trình diện trường. Hiệu trưởng là một tay thuộc cách mạng 30 tháng 4, chắc có lý lịch tốt, tên là Trần Văn Minh. Tay này mặt lầm lì, khó đoán hiền hay dữ, thường chắp tay sau đít đi lui đi tới mỗi khi các anh chị em khác làm việc, ra vẻ lãnh đạo. Mới ngó sơ qua, tôi đã gai con mắt, nhưng cố nhịn cho qua ngày. Mình là ma mới mà!

Tôi được bố trí dạy lớp 3. Cũng vui vì sẽ làm quen với môi trường lớp học mới và đối tượng học sinh mới. Lớp học ồn ào hơn, học sinh hay thưa gởi, kiện cáo hơn. Dạy các em học sinh này như giữ con dại!

Đến hè, tôi về quê, mạnh dạn khuyên vợ bỏ dạy cùng vào Cà Mau luôn. Dĩ nhiên tôi vẽ ra viễn tượng xinh tươi nơi vùng tận cùng đất nước để nàng yên tâm xách túi đi theo.

Chúng tôi từ giã gia đình hai bên để thật sự vào Nam định cư, thật sự bỏ lại xóm làng, bà con thân thuộc, cha mẹ già, và những mơ ước xa vời, cố bỏ quên luôn đôi mắt trắng dã của tay công an chìm mà ngay ngày hôm trước đó đã “âu yếm” nhìn tôi khi tôi xếp hàng mua vé xe!

Chuyến tàu Thống Nhất mang chúng tôi từ Huế vô Sài Gòn mất gần hai ngày hai hai đêm. Một thế giới hỗn loạn đủ loại người, có cán bộ, công nhân, bộ đội, có người buôn bán, và con ranh con lộn; tất cả lưu động trên tuyến đường dài trên dưới 1000 km. Chúng tôi ngồi dật dờ trong đám hũ lốn đó, nửa ngủ nửa thức, tưởng như đang ở một thế giới khác giữa địa ngục và trần gian, khó diễn tả! Con tàu vẫn vô tình xục xịch xục xịch lăn bánh.

Hỗn loạn nhất là lúc tàu dừng lại ở các ga có bán vé thêm để khách đi và khách xuống. Lợi dụng khoảng thời gian tàu dừng, những người buôn bán nhỏ nhảy lên để bán đủ thứ tiêu dùng như cơm, bún, trái cây, nước uống… Lúc này mỗi toa tàu biến thành mỗi chợ trời ồn ào, náo nhiệt, không ai kiểm soát nổi. Vì vậy mà bà xã tôi đã mất tiêu đôi dép Lào mới mua khi vừa co chân lên để đổi thế ngồi.

Khi về đến ga Bình Triệu, chúng tôì, hai ngưòi, chỉ có một đôi dép! Đang loay hoay với đồ đạc lỉnh kỉnh, vừa bước xuống tàu, ngơ ngác giữa sân ga thì một cậu bé chạy ngang qua rất nhanh. Nhìn lại, bà xã thấy cái đồng hồ trên tay đã không còn. Chẳng biết kêu ai, đành lủi thủi thuê xe về nhà!