Friday, September 11, 2020

Chuyện Cũ Kể Lại
(Nhớ đâu viết đó giải sầu)

Đông Hà Trong Trí Nhớ (Năm)
(1975 – 1980)

Có những bất ngờ xảy ra trong đời sống mà con người không liệu trước được, thường người ta nói là do định mệnh sắp xếp. Cuộc đời tôi không biết có bao nhiêu chìm nổi và bao nhiêu cái lênh đênh mà bây giờ ngồi nhớ lại thiệt giống như giấc mơ.
Viết những dòng này thì cũng giống như ngồi
café với bạn bè, nhớ lại vài kỷ niệm lúc xửa lúc xưa cho quên tuổi già xa xứ…
**
Năm 1979, Mỹ và Việt Nam bắt đầu đàm phán để tiến tới việc bình thường quan hệ ngoại giao. Trong thời gian này Chương Trình Ra Đi Trong Trật Tự (Orderly Departure Program—ODP) dưới sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc ra đời nhằm gíúp những người muốn và đủ điều kiện đi định cư tại Mỹ. Ông Malia, thầy dạy văn chương Anh Mỹ ở ĐH Huế, là người trực tiếp phỏng vấn những người ra đi theo chương trình này tại Sài Gòn vì ông nói tiếng Việt rất thành thạo. Và thế là an ninh Việt Nam bắt đầu điều tra lý lịch của ông thầy (nghi ông là CIA) và theo dõi những người có liên hệ giao tiếp với ông trong thời gian ông ở Huế trước 1975. Tôi là một trong những người được chiếu cố khá kỹ vì lúc học ở Huế, hai năm cuối, tôi ở chung với thầy. Thiệt ra, tôi cũng không biết ông có phải là CIA như nhiều người đồn đoán hay không, nhưng tôi học được nhiều điều ở ông: làm việc nghiêm túc, gần gũi với sinh viên/học sinh nhưng nghiêm khắc, phải trái rõ ràng, không thiên vị…
Công an bỏ công sức âm thầm theo dõi tôi khá kỹ. Họ tìm gặp những người tôi quen trước đây để hỏi về quá khứ của tôi, tìm số bạn bè hay đi uống cà phê với tôi hỏi khi gặp nhau thì nói và bàn luận chuyện gì. Thường thì mấy người đó họ khai thật, chẳng có gì giấu diếm về tôi. Nhưng công an không tin, họ tiếp tục điều tra, rình rập theo dõi. Rõ khổ! Thà họ bắt mình đi, chứ cứ sống trong phập phồng lo âu, không biết bao giờ thì họ hết nghi ngờ… Tôi ở trong tình trạng bị khủng bố tinh thần đeo đẳng...
Thấy không còn hứng thú để sống ở quê nhà, nơi mình sinh ra và lớn lên, cuối năm 1980, tôi quyết định xin nghỉ dạy ngay sau khi lấy vợ xong. Quyết định một cách âm thầm lặng lẽ không cho ai biết, kể cả vợ mới cưới. Gia đình hai bên đau khổ lắm nhưng không nói gì. Tôi bỏ mặc mọi thứ cho số mệnh, “thử cho con tạo xoay vần tới đâu.”
Bạn bè cũng không còn. Mấy thằng bạn trong làng thì lấy vợ rồi vào Nam sinh sống. Đứa bạn cùng dạy, cùng vui buồn có nhau là Nguyễn Văn Giúp, cũng lấy vợ, rồi theo vợ chuyển vô trường Triệu Phong ở tỉnh lỵ Quảng Trị cũ. Bạn bè đồng nghiệp đều bận rộn lo cho gia đình, sống yên thân. Thật ra, lúc này chẳng còn ai thích giao du với tôi (ngại và sợ?). Tôi thành một kẻ cô độc, một kẻ tự đứng ra ngoài xã hội…

***
Trong trí nhớ của tôi về Đông Hà thời gian này là hình ảnh gã công an chìm mặc áo trắng, quần màu xám, mang cái xách đen kè kè bên hông, đôi mắt chỉ có tròng trắng chăm chăm nhìn tôi mỗi khi tôi xuất hiện ở Đông Hà. Thật là kỳ lạ, không hiểu vì sao, cứ mỗi lần tôi về thăm nhà (kể cả sau khi đã vào Cà Mau), chỉ cần khi xuống xe, là hôm sau thấy gã đi theo mình ở mọi nơi mọi lúc. Xếp hàng mua vé xe, quay nhìn lại, thấy gã! Đi uống cà phê, bước ra khỏi quán, đã thấy gã!
Không phải chỉ ở Đông Hà, mà ở Huế tôi cũng gặp chuyện để nhớ mãi. Một buổi tối, tôi ghé thăm gia đình chị Giồng, gia đình mà năm đầu tiên vô Huế tôi ở trọ để đi học, nhưng chị đi vắng. Ở nhà chỉ có vợ chồng anh Tạo. Tạo là em chị Giồng, sĩ quan chế độ cũ đi tù cải tạo về, và hiện làm công nhân đường sắt chưa về tới. Vợ chồng tôi hỏi thăm tin tức về mọi người, và quyết định ở lại để gặp Tạo vì đã lâu không gặp nhau. Mùa đông ở Huế, trời mau tối, đầu hôm mà giống như nửa đêm, âm u và buồn. Khoảng 10 giờ 30 tối thì Tạo về tới nhà. Tôi mừng rỡ ra chào anh, và chợt thấy mặt anh tái đi như thấy ma! Anh nói ngay: “Hùng hả? Trời ơi, để tau đi báo công an chớ không thôi tau liên lụy. Họ đến đây mấy lần hỏi mày, tau chỉ biết là mày có trọ đây thôi. Công an nói khi nào ông Hùng đến thì nhớ báo cho họ. Giờ tau phải đi báo.” Thật lòng, lúc đó tôi buồn lắm pha một chút tức giận, nhưng cố bình tĩnh nói: “Thì anh đi báo đi. Nếu anh sợ và họ không cho ở lại thì tụi em đi.” Tạo đi báo công an xong trở về nói: “Tau báo rồi. Tau sợ quá, phải báo thôi. Mày làm chi mà bị theo dõi dữ vậy?” Tôi kể sơ sơ cho anh biết, nói chuyện một lát, rồi đi ngủ, mai lo “zọt” sớm.
Đến khi tôi vào Cà Mau, công an Bình Trị Thiên còn “gởi gắm” cho công an Minh Hải “giúp đỡ”. Cũng may, tác phong của công an Minh Hải có vẻ “lè phè” hơn, nên sau một thời gian theo dõi thấy không có gì nên cho qua vì họ còn lo những dịch vụ béo bỡ có tiền hơn.
Sợ công an là cái bệnh mà hình như người dân Việt Nam nào cũng mắc phải. Tôi còn nhớ năm 2000, tôi ở Mỹ về thăm, náo nức gọi cho một thằng bạn những ngày ở tập thể với nhau, nhưng nhận được câu trả lời thờ ơ lạnh lùng của người bạn cũ. Thậm chí hôm sau bà xã tôi đi ngang qua nhà, người bạn không dám mời vô nhà, lấy cớ bận công chuyện… Lúc đầu lòng tôi chùng xuống, nhưng sau đó hiểu ra… Ôi, nỗi buồn thế cuộc!
Nỗi sợ hãi bị công an theo dõi ám ảnh và đi theo tôi hình như vô tận. Trong mười năm đầu qua Mỹ, nhiều đêm còn giật mình vì mơ thấy! Bởi vậy, trong một bài thơ tôi có viết:
...
Dẫu đã đi xa nửa vòng trái đất
Vẫn còn đau nỗi sợ của quê xưa
Đêm nằm ngủ giật mình nghe chó sủa
Tưởng công an gõ cửa “hỏi thăm” mình.

Năm năm về lại quê cũ, tôi tưởng sẽ yên thân với cuộc sống bình thường như bao nhiêu người bình thường khác, đâu ngờ có ngày lại lặng lẽ ra đi không người đưa tiễn. Từ giã một nơi đầy bất an để đến một nơi chưa hình dung được sẽ ra sao ở tân cùng đất nước, thật chẳng vui sướng gì nhưng phải liều mạng ra đi… Trên chuyến xe từ Đông Hà vô Huế, cặp mắt trắng dã của gã công an chìm vẫn ám ảnh tâm trí tôi. Dai dẳng. Khó chịu. Ngay cả sau này, mỗi lần nhớ về Đông Hà, cặp mắt ấy lại hiện ra, như hồn ma oan nghiệt, như một nỗi kinh hoàng khó mà quên được!