(Nhớ đâu viết đó giải sầu)
Đông Hà
Trong Trí Nhớ
(trước năm 1975)
Trong trí nhớ thơ ấu của tôi Đông Hà là một khu thị
tứ sang trọng, có tiếng còi xe inh ỏi, có đèn điện sáng mỗi đêm... Hồi đó, những
năm 60 và 70 của thế kỷ 20, Đông Hà được gọi là thị xã
Đông Hà, hoặc có người gọi
là thị trấn Đông Hà. Thị xã chỉ có hai con đường chính là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, và dọc theo hai con đường này người dân dùng nhà ở của mình làm nơi buôn bán luôn. Căn nhà của o (cô) tôi ở số 18 Phan Bội Châu cũng thế. O có hàng tạp hóa khá lớn và hàng vàng của Dượng phải nói là có tiếng ở trong vùng. Vì thế địa chỉ của O ở là nơi nhiều người biết đến, là chỗ giao dịch đáng tin cậy đối với bà con lân cận.
Đông Hà chỉ cách làng tôi 4 km nhưng mỗi lần được
người lớn cho đi Đông Hà là sướng lắm, một nỗi hân hoan không thể tả dâng lên
trong lòng. Đi Đông Hà oai lắm, về kể lại cho mấy đứa trong xóm--dĩ nhiên có
thêm muối thêm mắm--là một vinh dự lớn. Có lần tôi kể xạo cho chúng nghe rằng ở
ngoài Đông Hà cái chi cũng thừa mứa, mà "nhà o tau là nhất Đông Hà, tiền lẻ
một hai đồng vất nghênh ngang không ai thèm lượm" (thời Ông Ngô Đình Diệm,
một hai đồng to lắm)! Tụi nhỏ tưởng thiệt, đứa nào cũng há hốc mồm ra nghe và
mơ ước làm sao có ngày đi Đông Hà cho biết!
Một kỷ niệm mà bây giờ tôi vẫn chưa quên là vào dịp
Tết, hình như lúc đó tôi đang học lớp nhì hay lớp nhất (lớp 4, lớp 5 bây giờ),
tôi đuợc Bọ (ba) chở đi Đông Hà. Ra đến Đông Hà, hai cha con gởi xe đạp rồi đi
bộ dọc theo con phố Phan Bội Châu để đến nhà O. Tôi thì muốn đi chậm để nhìn những
thứ người ta bày bán ở các gian hàng, nhưng Bọ thì cứ mãi miết đi. Tôi ước chi
có được thời gian la cà ở đó, ước có thể ngổi lên chiếc xe đạp nho nhỏ ba bánh
trưng bày ở hàng bán xe và đồ chơi con nít, đuợc sờ tay vào một chút thôi cũng
được, nhưng ước mơ cũng chỉ để mà mơ ước, chỉ một mình mình biết. Tôi buồn lắm
nhưng đành giấu nỗi mơ ước của mình và phải lộc cộc chạy theo Bọ kẻo lạc...
Lúc chia tay để trở về nhà, O cho hai anh em (tôi
và đứa em gái) hai cái mũ mới làm quà Tết. Tôi mừng lắm, cầm lấy hai cái mũ đội
lên đầu, mũ của em gái để vào trong, còn của tôi đội ra ngoài. Bọ chở tôi, lặng
lẽ đạp xe; còn tôi ngồi sau, tận hưởng hạnh phúc riêng của mình. Xe đạp chạy
phon phon qua Dốc Sỏi (hồi đó dốc này cao lắm, có người không dám ngồi trên xe
mà đạp vì ngợp) mà tôi vì đang ngập tràn niềm vui có mũ mới, nghĩ tới ba ngày Tết
đội đi khoe với tụi nhỏ trong xóm nên chẳng để ý gì cảnh vật chung quanh… Về
nhà, vào đến cửa, lấy hai cái mũ xuống định đem đi cất, thỉ hỡi ôi, cái mũ phía
ngoài của tôi bị gió thổi bay đi dọc đường lúc nào không hay. Đúng là kêu Trời
không thấu!
Năm 1963, tôi thi đậu vào đệ thất trường Nguyễn
Hoàng ở Quảng Trị, có được chiếc xe đạp để có thể đạp xe vô ra Quảng Trị học.
Đông Hà từ đây bớt đi nét “to lớn, vĩ đại” trong lòng tôi. Lâu lâu vào dịp cuối
tuần, tôi đạp xe ra Đông Hà chơi và thăm gia đình O ở đó…
Từ năm 1968 trở đi thì Đông Hà trở thành chỗ thân
quen hơn vì lúc đó, ngoài những ngày đi học tôi ở lại tại Quảng Trị (nhà O Lập),
cuối tuần và hè thì về làng nhưng ban đêm phải ra Đông Hà ngủ. Quê tôi lúc này
thuộc vùng “xôi đậu,” ban đêm mất an ninh, du kích bên kia thường về thu thuế
và bắt thanh niên đi theo. Vì vậy, chiều chiều, khoảng 5, 6 giờ bọn con trai
chúng tôi từ 15 tuổi trở lên gọi nhau cùng hẹn đạp xe ra Đông Hà ngủ. Thanh
niên ở mấy làng xã lân cận cũng đổ về đây để lánh nạn, cho nên ban đêm dân số
Đông Hà gia tăng thêm, phố xá nhộn nhịp hơn.
Chiến tranh vẫn tiếp tục và chúng tôi hình như đã
quen với mọi khổ đau, chịu đựng riết thành quen! Vẫn sống, vẫn đi học, vẫn vui
chơi…
Năm 1970 vào Huế học, nhưng thời gian về quê tôi lại
ở Đông Hà nhiều hơn. Nói chính xác hơn là tôi về làng Điếu Ngao (làng sát bên
hông Đông Hà, dưới Quốc Lộ I), nơi gia đình Hoàng Triều sinh sống. Triều là thằng
bạn học chung từ lớp đệ tam Nguyễn Hoàng, người trắng trẻo, đẹp như con gái, dễ
thương… Chúng tôi chơi thân (còn có Lê Bá Bôn nữa) và coi gia đình bạn như gia
đình mình. Tôi thỉnh thoảng có về Bích La Đông, làng của Bôn, nhưng hình như hầu
hết thời gian còn lại tôi về Điếu Ngao, sinh hoạt cùng gia đình Triều như một
thành viên gia đình…
Cuộc sống tương đối an bình ở Đông Hà kéo dài đến
gần giữa tháng 4 năm 1972. Lúc này quân Bắc Việt gia tăng lực lượng để tiến chiếm
Đông Hà. Ngày 28 tháng 4, Đông Hà mất. Bà con chạy trối chết, mong thoát vô
vùng Nam tự do. Và khi Quảng Trị mất thì làn sóng người chạy trốn người đi
"giải phóng" mình càng lúc càng đông. Hình ảnh người dân nằm chết la
liệt vì pháo kích chồng lên nhau ở Cầu Dài vẫn còn trong tâm trí của người dân
Quảng Trị.
Mẹ, chị, và em gái của tôi không chạy kịp nên đành
quay lại quê. Gia đình tôi lại thành chia cách, nửa Bắc nửa Nam. Tôi bỏ lại
Đông Hà trong xa xót...
Chuyện ngoài lề, nói thêm cho vui về bạn bè: Sau
khi thi xong Tú Tài I, bộ ba chúng tôi (Bôn, Triều, Hùng) đang hồi ly tán. Triều
theo gia đình anh Khiêu (anh của Triều) vào Huế họcđệ nhất Quốc Học, Lê Bá Bôn
về nhà làm “bệnh sĩ” tự học để thi Tú Tài II. Cũng may, lúc này Ban C (Việt
văn, sinh ngữ) tôi có Lê Tây--học chung từ đệ thất trở lên-- làm bạn, nhưng Tây
vì lý do “kỹ thuật” lại bỏ về nhà tự học để thi Tú Tài II. Tôi bơ vơ không bạn.
Một thời gian sau tôi quen và chơi thân với Nguyễn Huynh làng Lập Thạch học lớp
Nhất A và Trần Phong Tý, cùng lớp C với tôi nhưng ban Pháp văn. Nhờ Trời
thương, đám bạn bè chúng tôi, dù gặp nhiều trắc trở, đứa nào cũng vượt qua được
hai kỳ thi gian khổ Tú Tài.
Vô Huế, số bạn bè xa quê càng đông và gần gũi nhau
hơn. Gắn bó với tôi có Hoàng Triều, Lê Tây, Trần Phong Tý, Lê Hữu Sỏ, Nguyễn
Văn Hùng…
(Sẽ kể thêm khi viết về Huế)