Thursday, September 10, 2020

Hồi Ký Không Ngày Tháng
(Nhớ đâu viết đó giải sầu)

Mở: Tôi vốn không thích các thứ hồi ký hồi kiếc vớ vẩn chỉ dành cho mấy ông già dở hơi. Thường họ viết để hoặc tự khen mình hoặc biện minh cho một thái độ không đúng nào đó trong
quá khứ... Nói chung là việc làm của mấy cụ già khú đế!

Thế mà từ mấy hôm nay tôi lại ưa ngồi viết lại chuyện cũ. Chết cha, mình già mất rồi! Mà già thiệt, soi gương kỹ mới thấy:

Lâu nay soi gương không nhìn kỹ
Cứ tưởng ta chưa đến nổi già
Hôm nay lững thững soi lần nữa
Thấy những thăng trầm hiện rõ ra...

Và hôm nay tôi bắt đầu làm anh già dở hơi (chứ không phải ông già đâu nghen), bắt đầu viết. Ai có thì giờ thì mời đọc cho vui.
(mai tiếp, giờ bận rồi)

***
Tôi quyết định thay cái đầu đề thành "CHUYỆN CŨ KỂ LẠI" cho phù hợp  với những gì mình viết vì.... nhớ đâu viết đó giải sầu!

CHUYỆN CŨ KỂ LẠI
(Nhớ đâu viết đó giải sầu)

Lảo Đảo Tháng Ba

Ầm ầm, cắc cù… Ẩm ầm, cắc cù… Tiếng pháo kích và nhiều loạt tiếng súng lạ liên tục nổ làm cho tôi giật mình tỉnh giấc. Chết mẹ, Việt Cộng (VC) tấn công rồi.
Và VC tấn công thật. Đó là sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975 tại Ban Mê Thuột (BMT). Tôi và Tấn, thằng bạn người La Hai dạy cùng trường, chạy theo dòng người tỵ nạn. cố thoát khỏi vùng lửa đạn, hướng về Sài gòn. Nhìn đâu cũng thấy những khuôn mặt xa lạ, ngơ ngáo, đeo AK, mặc áo quần thùng thình, đi dép râu. Biết là hết đường chạy, hai thằng ngán ngẩm nhìn nhau kêu Trời không thấu...
Gần cả tuần lễ giao tranh, quân phương Bắc đã làm chủ tình hình. Chúng tôi lạc giữa dòng người tuyệt vọng, trong túi không còn đồng nào vì lương chưa lãnh. Nhớ ngày đầu tiên chạy loạn, bữa cơm trưa đầu tiên ăn nhờ nắm cơm của gia đình đứa học trò mà ứa nước mắt, không có muỗng đũa, chỉ bốc tay mà ăn...
Rồi có thông báo của Ban Quân Quản kêu gọi đồng bào yên tâm, tin tường vào đường lối cách mạng; các cơ quan công quyền, trường học hãy trờ lại sinh hoạt bình thường bla bla... Thấy có đám người diễn hành mang hình ông Hồ và cờ xanh đỏ, một phụ huynh (người Bắc di cư) nói: "Trời ơi, họ mang hình ông Hồ mà nói thì ai tin, ông ta giết người hàng loạt, tôi có kinh nghiệm rồi. Không tin nổi đâu!" Mọi người nghe thì nghe, bàn tín bán nghi.
Tôi và Tấn trở về trường ngày hôm sau và khi thấy đám "cách mạng tại chỗ, ăn theo" tuyên bố vung vít, hai đứa quyết định không quay lại nữa, sống lang thang rồi ra sao thì ra... Chúng tôi trở lại căn phòng thuê của mình để tìm chút đồ đạc nhưng cả dãy nhà đã sập vì bị pháo kích. Tôi cố lục lọi trong đám đổ nát và tìm được cái máy cassette và mấy băng nhạc mà thầy Thomas Malia tặng khi tôi rời Huế đi BMT. Chúng tôi nhìn căn phòng và đồ đạc và không ngờ đó là lần cuối cùng.
Những ngày kế tiếp, Tấn và tôi sống "bụi", đào khoai ăn thay cơm qua bữa, nhưng mà lạ, không còn nhớ tối thì ngủ ở đâu- có lẽ ở một góc phố nào đó- để chờ quân ta quay lại...
Hai thằng vật vờ như hai con gà dịch; cố đi tìm Lê Xuân Quảng (thằng bạn học từ Thất 2 đến Tứ 2 Nguyễn Hoàng, và gặp lại nhau khi lên BMT) nhưng không biết Quảng ở đâu giữa những ngày hoảng loạn như thế này. Có lần ghé vào chị Phan Thị Hồng (chị của anh Phan Gia Minh), làm việc ở Ty Điện Lực, trước để thăm, sau là kiếm coi có gì bỏ bụng, nhưng chị cũng đang trong hoàn cảnh kêu Trời không thấu: Thằng cha công nhân thường ngày làm tà loọc, lúm kha lúm khúm mỗi khi có việc gặp chị, giờ này lại có ý tán tỉnh và quấy nhiễu chị vì bây giờ gã đã là giai cấp lãnh đạo! (Tội nghiệp, nó tưởng thiệt!) Nghe chị kể mà ngán ngẩm, chúng tôi ngồi chơi rồi chị em đành chia tay...
26 tháng 3 Huế mất. Tôi nói với Tấn thế là xong rồi. Huế mất là miền Nam mất thôi. Hết hy vọng! Chúng tôi tìm cách để về quê.
Thế là tôi quyết định sẽ xa BMT, xa thị xã nhỏ bé vùng cao nguyên đầy bụi đỏ và khi mưa thì bùn bê bết lầy lội. Những ngày đầu mới đến thì khó chịu lắm, nhưng mãi rồi cũng quen, cũng gặp gỡ người này người kia, cũng có quán xá vui chơi, cũng có cỏ cây hoa lá, và có rừng. Có cả dấu chân nai và tiếng chim reo hót, có những cô gái miền Thượng du xinh xắn, và có đám học trò hiền lành dễ thương của những tháng ngày đầu tiên làm nghề dạy học...
Cảm ơn những ngày tháng dù ngắn ngủi (chưa đầy một năm) nhưng đã để lại trong tôi những kỷ niệm thân ái khó quên. Cảm ơn Phan Văn Tấn, Lê Xuân Quảng, chị Phan Thị Hồng về những gắn bó thân tình. Cảm ơn cô học trò bé nhỏ Nguyễn Thị Phương Nam và các em học trò khác của thành phố nhỏ buồn muôn thuở (BMT) về những ân tình những ngày mới đến...

Tháng Tư Nhức Nhối

Ngày 2 tháng 4 thì Nha Trang thất thủ. Vậy là coi như miền Nam đang trên đường bỏ cuộc. Tấn rủ tôi về La Hai, đợi coi tình hình ra sao rồi tính. Mấy hôm sau, tôi theo Tấn về La Hai, ở lại mấy hôm cho tạm hoàn hồn, và khi thấy tình hình khó có bề thay đổi thì tôi từ giã gia đình Tấn để về làng.
Tôi quá giang từng đoạn xe từ La Hai ra Huế. Thiên hạ chen lấn ùa nhau lên từng chiếc xe chật cứng. Tôi cũng leo đại lên, đu ngoài cửa, làm bộ như là lơ xe (phụ xe) để qua mắt các trạm cờ đỏ kiểm tra giấy tờ. Phải trải qua bao nhiêu bầm dập, nhiều lần chủ xe phát hiện ”đi chùa”, bị đuổi xuống xe, nhưng khi xe chạy thì cũng nhảy đại lên mà đi… Đúng là khi cần thì cái gì cũng phải làm và làm được. Trước mắt là phải về quê tìm lại mẹ và đứa em gái bị kẹt lại năm 1972. Ba năm rồi không gặp nên rất háo hức tìm về dù chưa biết tương lai sẽ ra sao với chế độ mới. Cũng may, trên đường đi ít gặp trở ngại. Có thể lúc đó tôi còn quá nhỏ, mới 22 tuổi, lại hom hem vì bụi đường và lo lắng nên không ai nghĩ là một "giáo sư" như khi còn dạy học. Cả ngày không ăn uống chi nhiều nhưng không thấy mệt, chỉ mong sao cho mau đến nơi.
Xe về đến Huế là 6 giờ chiều. Thành phố lạnh lùng nhìn mọi người lăn lộn với các biến đổi chung quanh cho nên tôi hình như không có được cảm xúc khi trở về thành phố cũ, nơi có nhiều kỷ niệm buồn vui của một thời đèn sách. Hàng phượng trên đường phố đã trổ một ít hoa đầu mùa, vẫn còn ngại ngùng (hay e sợ?) trước những thay đổi đau lòng. Vội vàng lướt qua cảnh cũ, tôi hấp tấp tìm xe để đi tiếp ra quê.
Mặt trời đã khuất nhưng trời vẫn còn sáng. Bến xe còn lại một chiếc xe khách ra Đông Hà. Mừng quá, tôi nhảy lên, còn chỗ mà đứng. Tôi không nhớ vé xe lúc đó là bao nhiêu nhưng móc trong túi ra cũng đủ tiền để trả.
Trên đường ra Đông Hà, tôi xuống xe ở cầu Lai Phước để đi bộ về làng. Con đường đất dọc bờ sông Vĩnh Phước nhỏ hẹp lại và tiêu điều hơn trước. Một cảm xúc kỳ lạ khi trở về nơi chôn nhau cắt rốn, khó diễn tả bằng ngôn ngữ, vừa buồn vừa vui trước những đổi dời của thế sự. Tôi chạy hấp tấp trên con đường ngoằn ngoèo mà không chú ý đến cảnh vật chung quanh dù mấy lần suýt té vì đường gập ghềnh không ai chăm sóc đã lâu. Có đoạn, sông ăn sâu vào đường làm cho việc đi lại khó khăn, người đi bấp bênh dễ nhào xuống sông.
Bước vào nhà đã hơn 8 giờ tối. Dưới ngọn đèn dầu mù mờ, Mạ còn lui cui dọn dẹp. Tôi kêu “Mạ mô rồi? Con về đây.” Mạ chạy ra. Hai mẹ con mừng quá, không nói được gì nhiều, chỉ ôm nhau mà chảy nước mắt.
(Viết đến đây thì tôi phải ngưng lại vì hình ảnh gặp lại Mạ ngày đó đang sống lại trong tôi, một cảm xúc tràn ngập khiến tôi phải chạy ra ngoài để khóc vì mẹ tôi không còn nữa!)
Những ngày sau đó loay hoay với Mạ trong nhà, sum họp với chị em (tôi còn có người chị lấy chồng ở Quật Xá, Cam Lộ cũng kẹt lại 1972), gặp gỡ bà con lối xóm...
Và rồi các thành phố, thị xã kế tiếp của miền Nam từ từ mất. Nổi bật là mặt trận Xuân Lộc đã cố cầm cự một cách dũng cảm, nhưng tình hình chẳng có gì khả quan. Và cho đến khi nghe Sài Gòn hoàn toàn thất thủ vào ngày 30 tháng 4 thì nỗi đau nhức hình như không còn cảm nhận được nữa, đã vỡ ra rồi, hết thuốc chữa!

Tháng Năm, Tháng Họp Tháng Hành
(vừa họp, vừa hành...hạ)

Rời Ban Mê Thuột, ghé La Hai rồi về quê. Về đây gần mười ngày, tôi cứ luẩn quẩn trong nhà với Mạ, vui cái vui đoàn tụ, thở chút không khí làng quê mà bao lâu xa nhớ. Tôi cứ tưởng mình đang trở về thuở an bình của thời thơ ấu. Buổi sáng dẫn con trâu của đội sản xuất đi ăn cỏ, trưa chiều vui với nương vườn…
Sáng 30 tháng 4, 1975 khi nghe Sài Gòn mất, tôi mới giật mình trở về với thực tai. Biết là sẽ có giờ phút này mà vẫn cảm thấy hụt hẫng và tiếc nuối. Tiếc những gì đang có mà bị mất đi. Thật ra, tiếc thì có tiếc nhưng vẫn hi vọng chế độ mới sẽ mang lại niềm vui cho cả nước thống nhất. Tôi sẽ cùng bao nhiêu người làm lại cuộc sống mới cho quê hương xóm làng.
Bao nhiêu năm sống ở miền Nam, từ nhỏ đến khi lớn khôn chỉ biết cắp sách đi học, ra trường rồi đi làm việc, hầu như chúng tôi không biết gì nhiều về phía bên kia (miền Bắc). Nhà trường miền Nam chỉ dạy kiến thức và cách sống sao cho xứng đáng con người, sống có ích cho xã hội mà không hề gieo trong đầu học sinh chút hận thù nào về phía bên kia.
Vì thế, tôi vẫn hi vọng và nhiều người đã hi vọng…
Ngày tháng kế tiếp là những đụng đầu với thực tế. Đó là những buổi họp triền miên (thường là buổi tối). Họp đoàn, họp đội, họp thanh niên, họp phụ nữ, họp dân… Cả ngày làm việc, về nhà ăn vội vàng dăm miếng rồi chuẩn bị đi họp. Buổi họp nào cũng giống nhau, mọi người ngồi nghe cán bộ nói liên tu bất tận về chính sách và sự lãnh đạo tài tình của Đảng, về tội ác Mỹ ngụy, về sự hùng mạnh của Liên Xô/Trung Quốc… Và vỗ tay, người nói và người nghe đều vỗ tay. Rất bình đẳng!
Cái “ưu việt” của hệ thống tuyên truyền của chế độ mới là cán bộ từ tỉnh huyện, đến thôn xã đều nói không biết mệt, hăng say nói, người nào cũng nói giống người nào, một bài một bản, nói như thiệt, không cần biết người nghe có phản ứng gì! Trong “khí thế” như vậy, mọi người chỉ biết lắng nghe, khỏi có ý kiến; có ý kiến là chưa “quán triệt đường lối, chính sách.”
Và tôi đang học để làm quen với mọi thứ mới mẻ từ đây, từ cách thức sống đến ngôn ngữ sử dụng. Xoay gần như 180 độ. Những gì thuộc về miền Nam là xấu xa, là ngụy hết. Văn hóa đồi trụy, nhạc vàng ru ngủ, lối sống sa đọa… Lỡ miệng nói một từ của chế độ cũ là bị phê bình, kiểm điểm; phải giữ ý giữ tứ với ngay cả con cháu của mình, những đứa kẹt lại năm 1972 nhưng “giác ngộ” trước mình!
Khổ nhất là những buổi họp để chuẩn bị cho một lễ lược nào đó. Tôi không thể nào quên buổi họp sau ngày 30 tháng 4 để chuẩn bị lễ mừng ngày miền Nam “hoàn toàn giải phóng”. Buổi họp bắt đầu từ 7 giờ tối và chấm dứt lúc 1 giờ sáng. Về nhà nằm chưa nóng lưng thì đã nghe kẻng kêu tập họp. Lúc này là 3 giờ sáng! Mọi người có mặt ở ủy ban xã, nhưng đến 9 giờ mới được dẫn đi bộ kéo về thị xã Đông Hà (cách ủy ban xã 4 km) để làm lễ. Đến địa điểm thì chờ tiếp, gần 12 giờ buổi lễ mới bắt đầu. Lại nghe các ông các bà cách mạng giảng, cũng chừng đó bài vở, chắc là nhắc đi nhắc lại nhiều lần để nhân dân khỏi quên. Trời nắng nóng, bụng đói, chẳng ai dám than phiền!
Tôi đang làm quen với những buổi họp như thế ở địa phương thì có thông báo tất cả các giáo viên và nhân viên ngành giáo dục cũ phải có mặt tại Hải Lăng để học tập đuờng lối chính sách mới. Tôi lên xin phép "anh công an" (tay này nhỏ hơn tôi khoảng 13, 14 tuổi, nếu theo thứ tự giòng họ thì kêu tôi bằng bác) và được “anh” cho phép tạm vắng. Tôi khăn gói vô Hải Lăng trình diện và được cán bộ xếp vào ở nhà dân với một anh giáo viên tiểu học tên là Nguyễn Hồ Thận. Hằng ngày đi học tại trường Nguyễn Hoàng khu tạm cư (?) và tối thì về ngủ tại nhà dân. Tôi không quen với anh Thận này nên cũng không dám trò chuyện gì nhiều, chỉ chào hỏi xã giao, đi và về cùng nhau, ngồi học kề nhau.
Một hôm học xong thì cán bộ cho viết bài thu hoạch, trả lời những câu hỏi đã được nêu ra. Chúng tôi chỉ cần chép lại những gì đã học là đạt yêu cầu. Mọi người ai cũng lo chăm chú chép lại cho đúng sách vở, khen đường lối đúng đắn của cách mạng, vân vân và vân vân… Tôi chép xong, nhìn qua bài của anh Thận mà giật mình. Sau những lời ca ngợi Bác, Đảng, trước chữ ký của anh, anh ta viết “Hoan hô Hồ Chí Minh, hoan hô Nguyễn Hồ Thận.” Tôi nghĩ thầm anh chàng này tâm trí có vấn đề rồi. Tối hôm đó, khi về nhà, tôi thấy anh ta cứ ngồi nói nhỏ và cười một mình hoài!
Sáng hôm sau, giữa buổi học tập, thì có một tốp du kích mang súng ống đi theo một ông cán bộ lớn vào lớp. Ông lớn nói trước lớp: “Các anh được cách mạng khoan hồng, cho học tập để làm con người mới, vậy mà có kẻ dám xúc phạm đến Bác Hồ, lãnh tụ của chúng tôi. Các anh có quyền nói gì thì nói chớ không được xúc phạm đến lãnh tụ của chúng tôi! Ai là tên Nguyễn Hồ Thận?” Cả lớp im phăng phắc và anh Nguyễn Hồ Thận liền bị áp giải đi và sau này không biết ra sao…
Sau đợt học tập, tôi trở về làng, tiếp tục công việc chăn trâu và phụ làm việc nhà. Vẫn siêng năng họp hành đầy đủ, và vì có "chút chữ" nên ủy ban xã kêu đi dạy bổ túc cho bà con trong thôn, dưới sự hướng dẫn của các giáo viên từ trường cấp I ở trong xã. Tham gia dạy bổ túc có Triệu (Sáo), Nguyên—hai đứa vừa là bà con vừa là bạn cùng lứa nên cũng đỡ cô độc. Lúc này dân chúng ở tỉnh lỵ Quảng Trị cũ được sắp xếp lại cho ra Đông Hà sinh sống và chợ Đông Hà tương đối nhộn nhịp khách từ Nam ra Bắc và ngược lại. Chúng tôi thình thoảng cũng “dù” ra Đông Hà cà phê cà pháo, tìm chút không gian cũ… Sau này có thêm Dưỡng (Đoàn Văn Dưỡng) từ trong Nam về cũng góp mặt, thành một nhóm bốn đứa, dành dụm đâu đó chút tiền là dọt ra Đông Hà cà phê.
Một hôm, sau khi cà phê xong, trên đường đạp xe vô làng, tôi nghe có người gọi tên mình. Tôi dừng xe lại, thì ra là Phan Đang, người quen từ trước, là bạn của Triều, cũng người làng Điếu. Đang có tham dự lớp học tập ở Hải Lăng và sau đó được kêu lại cho phụ trách giáo vụ tại trường cấp 3 Đông Hà. Đang nói: “Mình thấy tên H. trong danh sách về trường cấp 3 Đông Hà, sao không ra trình diện?” Mừng quá, tôi theo chỉ dẫn của Đang liền phóng ngay đến trường để gặp ông hiệu trưởng Lê Quang Vãn. Ông độ tuổi trên dưới 50, vui vẻ, cởi mở, nghe đâu trước kia chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Pháp, nên buổi gặp gỡ diễn ra suôn sẻ. Ông bảo về cắt hộ khẩu rồi chuyển ra đây nhập hộ tập thể. Ông còn nói: “Cậu cứ thoải mái, ăn mặc tự do, tha hồ trăm hoa đua nở.”